Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII: Kỳ vọng Dự thảo nghị quyết mới về vấn đề đất đai
Dự thảo nghị quyết mới về vấn đề đất đai đã được xây dựng sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến, quyết định ban hành tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.
Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay (4/5), Ban chấp hành Trung ương khóa XIII mở Hội nghị lần thứ năm với nghị trình dự kiến tập trung vào tổng kết ba nghị quyết lớn của Đảng: (i) 10 năm Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; (ii) 15 năm Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; (iii) 20 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Trong các nội dung nêu trên, phần về chính sách đất đai lẽ ra phải hoàn tất từ Hội nghị Trung ương 4, tháng 10/2021. Nhưng vì những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra mà công tác tổng kết, xây dựng đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì không thể triển khai kịp. Bộ Chính trị đã báo cáo và được Trung ương đồng ý cho lùi sang Hội nghị Trung ương 5 lần này.
Đất đai là vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, tác động lớn đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, quốc phòng, an ninh, đến mỗi người dân và doanh nghiệp. Là đạo luật giữ vị trí trung tâm, Luật Đất đai phải dựa trên cơ sở thực tiễn và cơ sở chính trị là tư tưởng, đường lối chỉ đạo của Đảng bằng nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Luật Đất đai 1993 được thể chế trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, Trung ương 5 khóa VII; Luật Đất đai 2003 được xây dựng dựa trên căn cứ chính trị là Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Luật Đất đai 2013 được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XI.
Đồng thời việc sửa đổi Luật Đất đai cần đảm bảo để hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, khả thi, có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Đảng. Do đó để đảm bảo đầy đủ cơ sở chính trị và thực tiễn, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tiến hành song song việc tổng kết Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XI và tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 để đánh giá một cách toàn diện, thận trọng, dự báo các tác động với phương châm là những vấn đề đã được thực tiễn chứng minh là đúng, đã rõ thì tiếp tục đổi mới; những vấn đề mới, chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận vững chắc, làm thí điểm, lấy ý kiến rộng rãi.
Việc tổng kết Luật Đất đai 2013 đã được tiến hành rất bài bản với sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự án luật; tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị và hoàn thiện các hồ sơ, dự thảo để đảm bảo các điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến ngay tại kỳ họp thứ ba.
Tuy nhiên, để đảm bảo đầy đủ cơ sở chính trị, việc trình dự án luật sẽ được thực hiện ngay khi Trung ương nhất trí ban hành nghị quyết mới về đất đai. Theo chương trình công tác, Ban chấp hành Trung ương nghe báo cáo tổng kết và xem xét quyết định những vấn đề lớn cần tiếp tục đổi mới trong chính sách, pháp luật đất đai tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.
Bảo Ngọc