Hội nghị UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 9

Sáng 7/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2023. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố.

Tháng 8/2023, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xử lý các vấn đề còn vướng mắc trên các lĩnh vực.

Về sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực, giá trị sản xuất đạt 7.950 tỷ đồng; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,32% so với tháng trước. Doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt trên 4.975 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2023 đạt 35.552 tỷ đồng, giảm 25%.

Công tác quản lý Nhà nước về xây dựng được tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, nhất là các công trình, dự án trọng tâm, quan trọng, có vai trò chiến lược, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021-2025 và những giai đoạn sau; tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công, đảm bảo kế hoạch tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1), tuyến đường T21, đường tỉnh ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B tỉnh Ninh Bình…

Sản xuất nông nghiệp bảo đảm trong khung thời vụ, đã tập trung thực hiện các giải pháp khoanh vùng, dập dịch trên đàn vật nuôi; tăng cường công tác phòng, chống lụt bão. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện Hoa Lư, Yên Khánh đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục diễn ra sôi động; tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng đạt gần 5.113 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng đạt gần 41,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Du lịch phát triển mạnh mẽ, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao. Tổng số lượt khách đến các điểm tham quan du lịch tháng 8 đạt 327 nghìn lượt, tăng 5,4% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng đạt 5,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch 8 tháng đạt hơn 4.640 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt trên 9.860 tỷ đồng, đạt 44,1% dự toán, bằng 60% so với cùng kỳ năm trước; Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện tháng 8/2023 đạt 2.540,2 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 19.090,6 tỷ đồng, giảm 4,0%.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, tỉnh đã thực hiện tiếp nhận, thẩm định, giải quyết cho 193 trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng trợ cấp theo đúng quy định; đã khởi công xây mới, sửa chữa nhà cho 475 hộ nghèo theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh, đạt 95% kế hoạch.

Trong tháng đã tổ chức thành công Hội thảo "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" qua đó đánh giá, định dạng được các giá trị bản sắc riêng có của tỉnh Ninh Bình, làm cơ sở nghiên cứu đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Ngành Y tế đã chủ động trong công tác giám sát dịch bệnh, công tác khám chữa bệnh được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Ngành Giáo dục đã tích cực thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch.

Tỉnh đã tập trung tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được của Sở, ngành, địa phương, khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 7,5%.

Tập trung vào hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh, song song với đẩy nhanh tiến độ triển khai các quy hoạch quan trọng khác đảm bảo kịp thời, đồng bộ; đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng tâm, quan trọng của tỉnh.

Đại biểu đề nghị tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, biện pháp về thu ngân sách Nhà nước, siết chặt kiểm soát chi ngân sách; thường xuyên theo dõi kịch bản thu, chi ngân sách để kịp thời chỉ đạo, điều hành hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đảm bảo tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đại biểu cũng đề nghị, trong thực hiện nhiệm vụ được giao, phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không né tránh và tham mưu giải quyết có hiệu quả những vấn đề từ cơ sở để giải quyết dứt điểm các công việc còn khó khăn, vướng mắc.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Nhìn lại từ đầu năm đến nay, mặc dù kinh tế cả nước đang trong giai đoạn phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trên bình diện chung cả nước, các ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu vẫn đang chịu nhiều tác động bởi bối cảnh chung của thế giới.

Đối với tỉnh Ninh Bình, mặc dù tháng 8 đã có dấu hiệu phục hồi các ngành sản xuất nhưng công nghiệp và thu ngân sách vẫn là hai lĩnh vực đang mảng màu trầm trong bức tranh kinh tế. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh đã kiên trì, thống nhất với mục tiêu tăng trưởng và đánh giá, nhìn nhận đúng động lực tăng trưởng cho năm 2023 là các ngành dịch vụ và nông nghiệp.

Do vậy từ đầu năm đến nay tốc độ tăng trưởng của các ngành dịch vụ, có sự bứt phá với tốc độ tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ, doanh thu từ du lịch đạt trên 4 nghìn tỷ đồng; ngành nông nghiệp thực sự trở thành trụ đỡ cho phát triển kinh tế, riêng lĩnh vực thủy sản có sự tăng trưởng cao, tăng 4,2% so với cùng kỳ...

Các ngành kinh tế này đã đóng góp quan trọng trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh từ đầu năm đến nay, Ninh Bình so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cả nước vẫn là một điểm sáng về tăng trưởng. Điều này cho chúng ta nhìn nhận về sự tăng trưởng bền vững và tin tưởng vào những mục tiêu quyết sách đã đề ra.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề tồn tại, phân tích những khó khăn tác động đến tốc độ tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực. Từ đó yêu cầu các ngành, các cấp cần tiếp tục quyết tâm cao, trăn trở để tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Tích cực nghiên cứu các văn bản pháp luật, các quy định của Nhà nước phải xem xét thật kỹ để có phương án giải quyết, tránh tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh để công việc tồn đọng, trì trệ ảnh hưởng đến sự vận hành của cả guồng máy.

Đồng chí cũng chỉ rõ trách nhiệm của các ngành, trong đó Cục thống kê tỉnh cần xây dựng kế hoạch để triển khai điều tra, đánh giá năng lực sản xuất của nền kinh tế; các cấp, ngành tích cực quan tâm thực hiện các giải pháp thu chi, ngân sách, đấu giá quyền sử dụng đất. Tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, sớm khai thác, phát huy hiệu quả như số dự án giao thông trọng điểm như một số nhánh của tuyến đường ĐT. 482, Nhà Văn hóa trung tâm; tuyến đường T21...

Đối với sản xuất công nghiệp, cần quan tâm hỗ trợ các dự án đảm bảo đúng tiến độ, nhất là các dự án sắp đi vào hoạt động để nhanh chóng tạo ra sản phẩm mới đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cũng như tăng thu ngân sách cho địa phương; nhìn nhận, đánh giá đúng về công tác thu hút đầu tư, trong đó phải tính đến thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho ngân sách của tỉnh.

Đối với các lĩnh vực văn hóa, xã hội: Cần tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa các vấn đề đầu tư ngoài ngân sách đối với lĩnh vực y tế, giáo dục... Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phải kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, không để chạy theo số lượng mà mất sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến chất lượng không đạt theo yêu cầu đề ra.

Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh sẽ thành lập Tổ công tác để xử lý thường xuyên vấn đề đột xuất, phát sinh; sẽ xem xét phương án sát nhập rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra tuyên truyền cho nhân dân hiểu.

Sở Kế hoạch & Đầu tư tiếp thu sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh để làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển lâu dài cho toàn tỉnh cũng như các ngành, địa phương; Trên cơ sở kết quả Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" các cấp, các ngành cần sớm xây dựng các chương trình thực hiện, đảm bảo chính xác, thể hiện sự riêng có, nổi trội, khả thi để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch thực hiện tránh trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật.

Một số vấn đề các đại biểu kiến nghị tại buổi giao ban đề nghị Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh để xem xét để giải quyết theo quy định.

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn- Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-ubnd-tinh-phien-thuong-ky-thang-9/d20230907150623519.htm