Hội nghị WEF Davos 2024: Việt Nam kiên trì trở thành điểm đến đầu tư bền vững
Ngày 17-1, tại Davos, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm 'Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững'.
Nhiều cơ hội đầu tư mới
Tại tọa đàm, ông Pascal Gerken, Chủ tịch danh dự Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu (YPO) và các đại biểu bày tỏ ấn tượng trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng trong năm 2023, với GDP tăng 5,05%, kiểm soát được lạm phát, thu hút FDI đạt mức cao.
Theo TTXVN, các đại biểu hào hứng tìm hiểu những cơ hội mới về đầu tư tại Việt Nam; tìm hiểu các quy định, chính sách liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng bền vững, chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá, những ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay…
Tiếp đó, dưới sự điều phối của TS Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, nguyên Giám đốc Điều hành WEF, hiện là Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ, các nhà đầu tư và đại diện YPO đã đối thoại cởi mở, chân thành, thẳng thắn, cùng tìm những cơ hội mới và thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ về kế hoạch đầu tư trong thời gian tới.
Những yếu tố nền tảng
Sau phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương trong đoàn Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tuy có nhiều trăn trở, lo âu nhưng với sự thẳng thắn, chân thành trong đối thoại, có thể tin rằng sau Hội nghị WEF lần này, niềm tin giữa các quốc gia, doanh nghiệp, giữa các quốc gia với doanh nghiệp sẽ được củng cố và tăng cường, trong đó có lòng tin với Việt Nam.
Thủ tướng cũng chia sẻ một số yếu tố mang tính chất nền tảng để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư an toàn, lành mạnh, bền vững. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện hoặc Đối tác Chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20); ký 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã xác định “phải huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Thủ tướng mong các nhà đầu tư tiếp tục đến với Việt Nam, mang tới nguồn vốn, công nghệ hiện đại, góp ý hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại…
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến với Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh vào Việt Nam như Công ty staBOO Holdings AG, công ty con của BARD AG (đang hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm ép ván dăm và ván ép OSB từ tre tại Việt Nam), Tập đoàn Skandinaviska Enskilda Banken (SEB, Thụy Điển) hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng …