Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ
Ngày 16/8 tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên phối hợp cùng Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc và Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch của các địa phương tham dự chương trình hội nghị.
Thái Nguyên khơi dậy tiềm năng “vùng non xanh nước biếc”
Bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, các điểm đến và sản phẩm du lịch hấp dẫn của các địa phương, Hội nghị còn nhằm mục tiêu tăng cường các hoạt động xúc tiến và liên kết phát triển du lịch.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề và trên 200 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao. Đây là nguồn tài nguyên giá trị để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn”.
Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, mà còn bởi sự phát triển mạnh mẽ của du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Địa phương này có thế mạnh về vùng đất “non xanh nước biếc,” khí hậu trong lành, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp như núi, rừng, sông, hồ, hang động, suối thác... Những danh thắng nổi tiếng như hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, cùng những dòng suối, thác nước và bãi đá hoang sơ nơi sườn đông dãy Tam Đảo, và những đồi chè xanh ngát thơ mộng.
Thái Nguyên hiện có 11 điểm du lịch đã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận, tiêu biểu như Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) trao giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”; điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương; điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn; điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng; và Trung tâm thương mại du lịch Dũng Tân…
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có tổng số 22 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như: múa Tắc xình, Lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chay; Lễ cấp sắc; hát Pả dung; nghệ thuật may, thêu của dân tộc Dao; rối cạn, nghi lễ Then, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; nghệ thuật Khèn của người Mông; và tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương…
Phú Thọ và Vĩnh Phúc - đặc sắc du lịch tâm linh, tìm về nguồn cội
Phú Thọ được biết đến là cái nôi của văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vùng đất này vẫn giữ được những dấu ấn buổi đầu bình minh dựng nước của dân tộc, với 967 di tích lịch sử (trong đó Khu di tích Đền Hùng là Di tích quốc gia đặc biệt), cùng hệ thống các lễ hội dân gian và diễn xướng nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Tổ.
Phú Thọ cũng là địa phương giàu tài nguyên du lịch tự nhiên với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú: vườn quốc gia Xuân Sơn, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, đầm Ao Châu, và đầm Vân Hội đẹp như tranh thủy mặc, in bóng rừng cọ đồi chè...
Vĩnh Phúc nổi tiếng trong và ngoài nước với những địa điểm du lịch như thị trấn Tam Đảo - một điểm đến hàng đầu thế giới với khí hậu trong lành, mát mẻ, trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng; khu danh thắng Tây Thiên, nơi lễ hội Tây Thiên trở thành địa điểm du lịch tâm linh hàng năm, thu hút đông đảo khách du lịch hành hương về lễ Phật, lễ Mẫu.
Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp du lịch giao lưu, tạo cầu nối gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội và đối tác đầu tư, ký kết hợp tác khai thác, phát triển tối đa tài nguyên du lịch. Ảnh: Sỹ Hào.
Trong những năm gần đây, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, và Phú Thọ đều đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, và bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch.
Trong đó, 3 địa phương có nhiều điểm chung như cùng khai thác, phát triển du lịch dựa vào cảnh quan, tài nguyên khu rừng quốc gia Tam Đảo của Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; hay cùng phát huy giá trị cây chè và văn hóa trà trong phát triển du lịch của Thái Nguyên và Phú Thọ.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở VHTT&DL của Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, và Phú Thọ đã bày tỏ sự nhất trí tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các địa phương. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch mở rộng liên kết, hợp tác, kết nối tour tuyến giữa các địa phương.