Hội Nhà báo TP Hà Nội làm việc với biên phòng tỉnh Kiên Giang, Cà Mau
Đây là chuyến đi thực tế tìm hiểu, tuyên truyền về biên giới, hải đảo nằm trong chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Hội Nhà báo TP Hà Nội và Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Từ ngày 14 – 19/5, Đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội do Chủ tịch Hội Nhà báo TP Tô Quang Phán làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau. Tham gia đoàn có cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí của Thủ đô Hà Nội.
Đây là hoạt động thực tế tìm hiểu, tuyên truyền về biên giới, hải đảo nằm trong chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Hội Nhà báo TP Hà Nội và Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai 10 năm qua.
Tại tỉnh Kiên Giang, Đoàn đã đến thăm, tìm hiểu thực tế, làm việc với Đồn Biên phòng Tây Yên (phụ trách quản lý 8 xã, phường biên giới biển thuộc 3 huyện, TP: Rạch Giá, An Biên và Châu Thành), Đồn Biên phòng Phú Mỹ (huyện Giang Thành) và làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang.
Thông tin tới Đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội, Đại tá Huỳnh Văn Đông - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang có đường biên giới trên bộ giáp Campuchia, có vùng biển rộng, hơn 140 hòn đảo. Từ thực tế đó, thời gian qua, đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới quốc gia cũng như an ninh trên biển, vùng biên giới.
Cùng với đó, đơn vị cũng làm tốt công tác dân vận, an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào vùng biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, riêng năm 2022, đơn vị đã thực hiện công tác dân vận, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội tổng trị giá 3,9 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 7 căn “Nhà đồng đội”, 2 căn nhà chính sách, 2 căn nhà “Tết quân dân năm 2023”; thực hiện hiệu quả Chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn biên phòng”...
Tại tỉnh Cà Mau, Đoàn đã đến thăm, tìm hiểu thực tế, làm việc với Đồn Biên phòng Đất Mũi (quản lý hai xã Đất Mũi và Viên An thuộc huyện Ngọc Hiển với đường biển dài 45,9km), Đồn Biên phòng Rạch Gốc (đóng chân trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, quản lý bờ biển dài 36,6km) và làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau.
Thông tin tới Đoàn công tác, Đại tá Phạm Minh Giang - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết: Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý bờ biển dài hơn 258km, với địa bàn rộng. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác biên phòng; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Đơn vị đã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống vận chuyển trái phép hàng hóa trên khu vực biên giới biển; chỉ đạo các đơn vị theo dõi nắm chắc tình hình khí hậu, thời tiết; chủ động lực lượng, phương tiện thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp địa phương tổ chức hiệu quả Chương trình “Xuân biên phòng, ấm lòng dân biển”, Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”...
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội Tô Quang Phán, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng cảm ơn Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí Thủ đô được tìm hiểu thực tế hoạt động của lực lượng biên phòng trên địa bàn.
Đồng thời khẳng định, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí Thủ đô hiểu hơn về sự hy sinh, gian khổ của lực lượng bộ đội biên phòng phía Nam nói riêng, biên phòng cả nước nói chung. Từ chuyến thực tế này, phóng viên các cơ quan truyền thông của Hà Nội sẽ tiếp tục có các bài viết góp phần tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới cũng như giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là với thế hệ trẻ...
Cũng trong chuyến công tác, Hội Nhà báo TP Hà Nội, các cơ quan báo chí phối hợp với lực lượng biên phòng các địa phương đã tới thăm, tặng quà cho 5 gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.
Đó là gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nguyệt, sinh năm 1922, ở xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang; Mẹ Việt Nam anh hùng Thị Hol ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang; gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Chi và gia đình liệt sĩ Ngô Kinh Luân, ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau; gia đình bà Nguyễn Thị Nổi (sinh năm 1923; gia đình có công với cách mạng, tại ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).
Đoàn cũng trao tặng 10 suất quà tới học sinh các đồn biên phòng đang giúp đỡ trong chương trình “Nâng bước em tới trường”… Tổng phần quà trao tặng cho các gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách và học sinh nghèo vượt khó trị giá 50 triệu đồng.
Hội Nhà báo TP Hà Nội vinh dự nhận Lá cờ số 77 tại Cột cờ Hà Nội ở Mũi Cà Mau
Cũng trong chương trình công tác, Đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội đã đến tham quan Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau và đón nhận Lá cờ số 77 từ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi. Lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 là biểu tượng của khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất trong kháng chiến và rất hiên ngang, sáng tạo trong thời bình.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng, Lá cờ Tổ quốc số 77 sau khi đón nhận tại Mũi Cà Mau sẽ được trưng bày tại Phòng truyền thống Hội Nhà báo TP Hà Nội.
Nằm trong khuôn viên Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trao tặng cho Cà Mau đã phát huy những giá trị văn hóa chính trị, lịch sử to lớn. Được xây dựng ngày 16/1/2016, khánh thành ngày 10/12/2019 tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, công trình được thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội, xây kiên cố, hiện đại, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, công trình không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử, thể hiện tình cảm gắn bó của người dân Thủ đô Hà Nội với quê hương Cà Mau mà còn là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế khi đặt chân đến điểm cuối cùng cực Nam của Tổ quốc.