Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2023
Ngày 27/2, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học năm 2023 và Tổng kết đợt 1 Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chấp hành đọc Báo cáo đánh giá tổng kết giải thưởng hằng năm Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 và Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ ba năm 2023. Theo đó, từ bản lĩnh, những người làm văn học đã tiến tới xác lập giá trị cho mình thông qua các sáng tác và công trình nghiên cứu.
Các hội đồng xét giải cũng theo lộ trình đi từ nhận thức tới bản lĩnh để xác quyết sự tôn vinh tác phẩm theo những quy chuẩn tương đối mở. Việc xét giải hàng năm của Hội Nhà văn luôn dựa trên lộ trình đó, và năm 2023, về căn bản, cũng không phải ngoại lệ.
Kể từ khi công bố thời gian gửi tác phẩm tham dự xét giải thưởng hằng năm năm 2023 của Hội Nhà văn, cho đến kết thúc thời hạn, Ban Sáng tác của Hội đã nhận được 179 tác phẩm gửi tới đề cử tham dự. Qua tổ chức đọc vòng loại hết sức nghiêm túc, với nhiều cuộc họp trao đổi, bàn luận dân chủ, từ Hội đồng Sơ khảo các chuyên ngành đến Hội đồng Chung khảo, cuối cùng có 6 tác phẩm vượt lên để đứng vào hàng ngũ giải thưởng năm 2023 của Hội Nhà văn.
Nhìn chung, Ban Chấp hành đồng thuận với các cấp hội đồng, và điều ấy cũng có nghĩa các giải thưởng được trao về căn bản là phản ánh đúng với thực trạng chất lượng sáng tác của năm 2023.
Về Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, thành công trước hết ở số lượng tham gia đông đảo với sự trải rộng khắp các vùng miền, từ Hà Nội, đến Thành phố Hồ Chí Minh; từ đồng bằng sông Cửu Long lên Tây Nguyên, qua các tỉnh miền trung, ra miền núi phía bắc. Điểm thú vị, có nhiều tác giả là người Việt Nam hiện đang sinh sống hoặc học tập, công tác tại nước ngoài cũng nhiệt tình tham dự. Độ tuổi tác giả tham dự khá phong phú, cao nhất là tác giả Huỳnh Sanh Châu 95 tuổi, thấp nhất là Kul Nguyễn, 10 tuổi, với tác phẩm Tích cực và Vũ Khánh Huyền, 11 tuổi, với "Mùa hè quê ngoại".
Đặc biệt, bên cạnh việc có nhiều nhà văn, nhà thơ lớn tuổi, có uy tín trên văn đàn tham gia như Lê Hồng Thiện, Võ Khắc Nghiêm, Ngân Vịnh, Phạm Đình Ân, Đặng Huy Giang, Đinh Công Thủy… thì cũng xuất hiện nhiều gương mặt tác giả mới với nhiều những hứa hẹn mang tới sinh khí mới cho thể loại này như Dương Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Cẩm Hà, Mai Quyên, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Xuân Lai...
Về nội dung cũng như hình thức thể hiện, có thể thấy sự phong phú mà văn học viết cho thiếu nhi có thể chạm tới. Đó là cách viết hết sức đa dạng, sinh động, giàu mỹ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn, cũng như những khuôn sáo, để tiến đến sự diễn đạt, truyền đạt tốt nhất, chính xác nhất.
Có thể khẳng định, đợt 1 Cuộc vận động sáng tác căn bản thành công, đã thực sự mang tới những tác giả mới với những giá trị mới, vừa để góp phần làm giàu có tâm hồn lứa tuổi thiếu nhi, vừa góp phần làm phong phú thêm cho đời sống văn học.
Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam được trao cho bốn lĩnh vực: Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình và Văn học thiếu nhi. Cụ thể, lĩnh vực Văn xuôi: “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Một; “Tuyệt không dấu vết”, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Việt Hà; “Một mùa hè dưới bóng cây” tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế.
Lĩnh vực Thơ: “Đồng sen tàn”, tập thơ của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. Giải thưởng Lý luận phê bình thuộc về tác phẩm “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” của hai tác giả Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương và Văn học thiếu nhi xướng tên tác phẩm “Cá Linh đi học” của nhà văn Lê Quang Trạng.
Giải thưởng Tác giả trẻ được trao cho tác phẩm “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời”, tiểu thuyết của tác giả Đức Anh. Hai nhà văn: Trần Thị Trường (Hà Nội) và Lê Thị Kim (Thành phố Hồ Chí Minh) được trao giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2023.
Trong đợt 1 Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi (2021-2023), giải Nhất thuộc về bản thảo văn xuôi “Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp” của Dương Thị Thảo Nguyên. Hai giải Nhì được trao cho “Hạt dẻ ơi, về nhà thôi” của Nguyễn Thị Cẩm Hà (Hà Mi) (Văn xuôi - bản thảo); “Dắt mẹ đi chơi” (Đố mẹ, Dế mèn học chữ) của Mai Quyên (Thơ - sách).
Năm tác phẩm được trao giải Ba, gồm: “Những đôi mắt khoảng trời” của Đào Quốc Vịnh (Văn xuôi - tập sách); “Con cáo lửa” của Phạm Thanh Thúy (Văn xuôi - bản thảo); “Đi bắt nỗi buồn” của Nguyễn Thị Như Hiền (Văn xuôi - bản thảo); “Sông vừa đi vừa lớn” của Nguyễn Minh Khiêm (Thơ - bản thảo); “Cái bếp kể chuyện” của Đinh Công Thủy (Thơ - bản thảo).
Bảy giải Khuyến khích thuộc về các tác phẩm: “Cu Sang - Cây ma” của Nguyễn Xuân Lai (Văn xuôi - sách); “Cây gạo cõng mặt trời” của Nguyễn Thu Hằng (Văn xuôi - sách); “Chúc ngủ ngon” của Nguyễn Phong Việt (Thơ - sách); “Mặt trời khỏi ốm” của Đặng Toán (Thơ - bản thảo); “Áo đất, áo trời” của Phạm Quỳnh Như (Thơ - bản thảo); “Ai giàu nhất” của Hồng Chiến (Văn xuôi - bản thảo); “Lòng tốt ở lại” của Phan Đức Nam (Văn xuôi - bản thảo).