Hội nhập 'đánh thức' tiềm năng ở vùng cao

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, đặc biệt là việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA). Qua đó, giúp nhiều sản phẩm, hàng hóa trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Nắm bắt cơ hội này, nhiều địa phương miền núi đã nâng cao nhận thức và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trở lại Sơn La sau nhiều năm, chúng tôi không còn nhận ra “thủ phủ ngô của Tây Bắc” một thời. Những vườn cây ăn quả mọc lên cùng với sự xuất hiện của hàng trăm, hàng ngàn tỷ phú nông dân. Được mệnh danh là vựa trái cây lớn thứ hai cả nước, hiện nay Sơn La trở thành một trong những tỉnh có lợi thế lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với nhiều loại nông sản đặc sản và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng.

Cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng nông sản với các FTA thế hệ mới rất lớn

Cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng nông sản với các FTA thế hệ mới rất lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đình Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… đã mở ra cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của cả nước nói chung và Sơn La nói riêng. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội, các địa phương cần định hướng lại hoạt động sản xuất, đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu vào các thị trường này.

Nhận thức được yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ ngày càng cao cũng như việc sản xuất nông nghiệp đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn, tỉnh đã đồng bộ các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGap và hướng tới GlobalGap. Nhiều công nghệ cao đã được áp dụng như xây dựng nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới nước tiết kiệm… Đến nay, tỉnh có hơn 9.780 ha cây trồng áp dụng VietGAP, GloboGAP. Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện thí điểm sản xuất 11 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các huyện, thành phố và được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hưởng ứng...

“Để các sản phẩm nông sản tận dụng các cơ hội từ các FTA thế hệ mới, các yếu tố đầu vào như vật tư, giống cây trồng cho đến quản lý, chăm sóc, bao gói, truy xuất nguồn gốc… đều phải chuẩn, sau đó mới đưa đi giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường- ông Nguyễn Đình Phong nhấn mạnh, đồng thời cho hay, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản; quản lý tốt các diện tích đã được cấp mã vùng trồng, tiếp tục xây dựng các mã vùng trồng mới…

Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng tăng cường thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng các cơ sở thu gom có đủ năng lực (kho lạnh, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bao bì, phương tiện vận chuyển chuyên dụng) bao tiêu và ký kết hợp đồng xuất khẩu; các cơ sở chế biến sản phẩm đủ tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu.

Đối với tỉnh Lào Cai, theo nhận định của Sở Công Thương: Hiệp định EVFTA là cơ hội lớn để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tận dụng, phát triển thị trường xuất khẩu sang EU. Theo đó, hiện nay, một số doanh nghiệp của tỉnh đã đầu tư sản xuất và đổi mới công nghệ, trang - thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm để tham gia xuất khẩu vào thị trường này. Đặc biệt, với cam kết cắt giảm thuế quan từ hiệp định, những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã nhiều năm có mặt ổn định trên thị trường châu Âu sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng.

Để tận dụng lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại, Sở Công Thương Lào Cai đã chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung, kế hoạch tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp và các sở, ngành, đơn vị liên quan. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Trên cơ sở nội dung kế hoạch của tỉnh, các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa bằng kế hoạch của ngành mình, phù hợp với tình hình địa phương và đáp ứng các điều kiện hội nhập quốc tế.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Ong miền núi Thanh Xuân, huyện Bảo Yên, Lào Cai chia sẻ: Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng đồng thời, sẽ có nhiều hàng hóa, sản phẩm tương tự tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi các sản phẩm tương tự đến để cạnh tranh, tôi sẽ có thêm “thước đo” để biết sản phẩm của mình đang ở đâu. Người tiêu dùng là “quan tòa” phán quyết chính xác về chất lượng hàng hóa. Vấn đề với người sản xuất là phải làm sao tăng được năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành. Làm được như vậy thì FTA không phải là thách thức mà còn là cơ hội để làm giàu.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các cơ hội, nhìn chung các địa phương miền núi còn gặp rất nhiều thách thức trong quá trình hội nhập do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực, năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp... Do đó, để thành công trong việc đưa hàng hóa mang sắc thái bản địa của các địa phương này vươn tới các thị trường lớn trên thế giới trong thời gian tới, rất cần được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước về cơ chế, chính sách, vốn… nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm cũng như tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nhóm sản phẩm chủ lực.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nhap-danh-thuc-tiem-nang-o-vung-cao-152324.html