Hội nhóm rủ nhau 'bùng nợ' vay online: Ngoài phạt tiền có thể xử lý hình sự
Nhiều người gặp khó khăn không thể trả các khoản nợ đã vay online đúng hạn. Khi tham gia các hội nhóm trên mạng, được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trốn nợ nên người vay dễ nảy sinh tâm lý 'bùng nợ'.
Nảy sinh tâm lý “bùng nợ” từ các hội nhóm
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua ứng dụng đã mọc lên như nấm thời gian qua. Có thể dễ dàng tìm kiếm như: Hội bùng app vay tiền online có hơn 56.000 thành viên; Nhóm chuyên tư vấn bùng nợ cũng trên 100.000 người tham gia.... Không biết tính thực hư của những bài viết được chia sẻ trên các hội nhóm này như thế nào, nhưng đã có nhiều người vào bình luận, hỏi kinh nghiệm.
Theo Luật sư Trần Thế Anh, Phó Giám đốc Công ty luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội thừa nhận, hiện nay một bộ phận người dân có nhu cầu vay để chi trả cho các khoản chi tiêu cá nhân với các khoản vay nhỏ. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, một số đơn vị đã triển khai dịch vụ cho vay tiền qua app. Chỉ với một số thông tin, giấy tờ nhân thân, việc giải ngân khoản vay có thể thực hiện nhanh chóng. Thế nhưng, việc thu hồi khoản vay gần như phụ thuộc vào tính tự giác của mỗi người. Chưa kể, các trường hợp giả mạo hồ sơ, cung cấp sai thông tin nhưng vẫn qua được khâu thẩm định.
“Việc nảy sinh tâm lý “bùng nợ” là hoàn toàn có khả năng. Nhất là trên mạng xã hội, các thông tin không được kiểm chứng một cách rõ ràng nên nhiều người hoàn toàn có thể chia sẻ các nội dung hư cấu, không có thật về việc vay và cho vay tiền online. Với tâm lý này, người vay rất dễ bị lôi kéo vào các hội nhóm chia sẻ “kinh nghiệm”. Chính các đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay sẽ phải cảnh giác với các hội nhóm này”, Luật sư Thế Anh khẳng định.
Hiện nay, việc thành lập các nhóm, hội trên mạng xã hội đang trở nên rất dễ dàng. Mặc dù pháp luật hiện hành không nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thành lập các hội, nhóm trên mạng song theo Luật sư Thế Anh, những hội nhóm này vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Những ai có hành vi kích động, xúi giục, chia sẻ thông tin nhằm lôi kéo, dụ dỗ người khác trốn nợ, “bùng nợ” đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luât.
Cụ thể, Điều 5, Nghị định số 72 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, một trong những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng dịch vụ Internet cũng như các trang mạng xã hội là lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Giả mạo người khác và phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
“Mỗi diễn đàn, mỗi hội, nhóm trên mạng xã hội do một người/nhóm người hoặc một tổ chức thành lập, quản lý. Những người này sẽ kiểm soát bình luận. Tuy nhiên, họ chỉ phải chịu trách nhiệm nếu nội dung, hoạt động mà họ đưa ra vi phạm điều cấm của pháp luật, hoặc có nội dung kích động. Còn những bình luận của các tổ chức, cá nhân khác tại các diễn đàn này sẽ do các tổ chức cá nhân đó tự chịu trách nhiệm.
Về quyền và nghĩa vụ của chủ sử dụng mạng xã hội, Điều 26, Khoản 4, Nghị định số 27 năm 2018 của Chính phủ cũng nêu rõ: “Người dùng mạng xã hội chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”. Như vậy, mỗi một chủ sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm với phát ngôn, hành vi của mình trên mạng xã hội, Luật sư Thế Anh phân tích.
Về chế tài xử lý, Luật sư Thế Anh cho rằng, điều 101 - Nghị định số 15 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông có quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với việc lợi dụng mạng xã hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong số này, có hành rủ nhau bùng nợ vay online.
“Mức phạt tiền với những hành vi này từ 20-30 triệu đồng. Thậm chí, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015”, Luật sư Thế Anh cho biết thêm.
Người dân nên tỉnh táo để không bị dụ dỗ
Thực tế thời gian qua, không ít trường hợp người vay đã lợi dụng việc vay tiền đơn giản, thủ tục gọn nhẹ của các công ty tài chính, tín dụng để trốn nợ, thậm chí là “bùng nợ”.
Luật sư Thế Anh đánh giá, việc này vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Thực tế, giao dịch vay, cho vay tiền là quan hệ được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Theo quy định tại Điều 466, Bộ luật Dân sự năm 2015 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn…”. Như vậy, việc trả nợ khi đến hạn là nghĩa vụ của người đi vay.
“Nếu người nào đã vay tiền từ cá nhân hay công ty, tổ chức tín dụng tài chính… nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo cam kết ban đầu giữa các thỏa thuận của hai bên có thể phải chịu thêm phần lãi chậm trả, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, … do vi phạm thỏa thuận. Đây được coi là tranh chấp dân sự phát sinh từ thỏa thuận vay tiền của các bên. Bên cho vay có quyền khởi kiện đến TAND có thẩm quyền để thực hiện thủ tục yêu câu đòi lại tài sản đã cho vay và các khoản lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật”, Luật sư Thế Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo vị luật sư này, hành vi vay tiền không trả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự nếu đến thời hạn trả tiền, người vay có khả năng trả nhưng cố tình không trả.
Trường hợp, người vay ngay từ đầu thể hiện mục đích, hành vi lạm dụng tình trạng thủ tục hay tình trạng khó khăn về kinh tế để có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền vay hoặc đến hạn trả nợ theo cam kết có những hành vi gian dối để trì hoãn việc trả nợ, sau đó ẩn các thông tin cá nhân cung cấp ban đầu, tắt điện thoại, bỏ trốn khỏi nơi cư trú với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền vay thì có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức hình phạt cao nhất với tội danh này là phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân.
“Mạng xã hội đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân. Trong số này, không thể tránh khỏi những hội nhóm có nội dung tiêu cực, kích động, cổ xúy cho hành vi “bùng nợ”, trốn nợ của một bộ phận người dân. Do đó, người dân cần tỉnh táo trước những lời chia sẻ, bình luận với nội dung tiêu cực trên. Cần phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và tuân thủ nghĩa vụ trả nợ với bên cho vay. Bởi lẽ hành vi trốn nợ, bùng nợ đều sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật”, Luật sư Thế Anh khuyến cáo.
Trong quá trình hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, Luật sư Trần Thế Anh thừa nhận, dù các công ty tài chính được cấp phép hoạt động theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên trên thực tế, nhiều bên cho vay đang gặp khó khăn, thậm chí rơi vào cảnh bị bùng nợ, người vay nợ bỏ trốn...
Do đó, để tránh tình trạng trên, Luật sư Trần Thế Anh đề nghị, công ty tài chính cần thận trọng, kiểm duyệt hồ sơ vay một cách kỹ lưỡng. Trước khi cho vay và giải ngân cho khách hàng, cần cung cấp cho người vay đầy đủ các thông tin, gồm: lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn khác…
“Công ty tài chính phải thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định của pháp luật để tổ chức xét duyệt cho vay theo theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay”, Luật sư Thế Anh khẳng định.