Hội Nông dân Hà Nội: Cầu nối tích cực cho các hợp tác xã, nông dân
Bằng các hoạt động liên kết tổ chức trưng bày, giới thiệu nông sản, kết nối doanh nghiệp với nông dân… những năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội phát huy vai trò cầu nối tích cực, giúp nhiều nông dân, hợp tác xã ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, thông qua các hoạt động của hội, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đã hình thành; nhiều nông sản và sản phẩm làng nghề xây dựng được thương hiệu…
Ra đời từ năm 2015, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ) là một trong những đơn vị được Hội Nông dân huyện Chương Mỹ vận động hội viên thành lập. Nói về hiệu quả hoạt động của hợp tác xã này, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Hùng chia sẻ, đến nay, hợp tác xã đã có hơn 15ha trồng rau sạch được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố trong kết nối tiêu thụ, sản phẩm rau của hợp tác xã ổn định "đầu ra" với doanh thu năm 2018 đạt 11,2 tỷ đồng; thu nhập của xã viên trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng…
Tương tự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) Lê Văn Hán cho hay, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân, nhiều hộ đã xây dựng thành công mô hình nuôi lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn xã có khoảng 50 trang trại chăn nuôi lợn; tổng đàn lợn toàn xã khoảng 8.000 con; thành lập được 2 nhóm chăn nuôi lợn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với 40 hộ hội viên nông dân tham gia…
Cùng với sản xuất, thông qua hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân Hà Nội), nhiều sản phẩm của nông dân được giới thiệu, trưng bày… qua đó, thúc đẩy khâu tiêu thụ nông sản. Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân Tô Hải Long cho hay, những năm qua, trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ các hợp tác xã và nông dân đưa nông sản ra thị trường.
Cụ thể, trung tâm đã hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp làng nghề tiến hành thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Những sản phẩm đó được trưng bày, giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại khu trưng bày của trung tâm (số 33 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội).
Ngoài ra, từ năm 2015, Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Nội ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Công thương Hưng Long tổ chức 60 lớp tập huấn “Phát triển bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm và kỹ năng kinh doanh thương mại”; tổ chức nhiều hội nghị về xây dựng thương hiệu, kết nối cung - cầu cho hơn 6.000 lượt học viên.
Cũng nhờ các hoạt động liên kết, Hội Nông dân thành phố đã giúp nông dân xây dựng bảo hộ nhãn hiệu cho nhiều nông sản và sản phẩm làng nghề như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, chè sạch Bắc Sơn (Sóc Sơn), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây), sản phẩm mây tre đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ)…
Đánh giá về hoạt động liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản cho nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Lê Trọng Khuê ghi nhận: Trong 5 năm qua (2015-2019), Hội Nông dân thành phố đã xây dựng được 713 mô hình kinh tế tập thể. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị đã đăng ký 443 mô hình với 14.029 hộ tham gia. Hầu hết mô hình được sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Thông qua Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nhiều sản phẩm đã được ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Tại khu trưng bày thuộc trụ sở của trung tâm, ngoài Công ty TNHH Công thương Hưng Long, còn có sản phẩm của 5 doanh nghiệp thuộc các làng nghề trên địa bàn thành phố. Với những hoạt động quảng bá, kết nối cụ thể thông qua hình thức liên kết với doanh nghiệp, nhiều đơn hàng của Hội Nông dân tại các làng nghề, hợp tác xã sản xuất chuyên canh... đã được ký kết tiêu thụ.
Để đẩy mạnh hoạt động này, thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, cùng Hội Nông dân các cấp tập trung vào nông sản, sản phẩm làng nghề có thế mạnh tại địa phương để phát triển, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại; tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của các hội, đoàn thể nhằm hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã phát triển sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững.