Hội Nông dân huyện Lạc Sơn: Đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
Đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân (HND) huyện Lạc Sơn luôn chủ động triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết đại hội của HND các cấp vào thực tiễn nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn huyện.
Nông dân xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu nhập từ cấy lúa bấp bênh nên hội viên nông dân (HVND) Bùi Văn Huy, xóm Vín Hòa, xã Hương Nhượng đã tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Theo chia sẻ của ông Huy, nhờ được HND huyện, xã tư vấn và tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi đã góp phần hỗ trợ gia đình đầu tư kinh doanh vận tải với 5 xe bán tải, 2 xe du lịch và 1 máy ủi. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập khoảng 800 triệu đồng. Từ hoạt động kinh doanh ổn định đã giải quyết việc làm cho 15 - 18 lao động địa phương với mức lương 5,5 triệu đồng/người/ tháng. Không chỉ vươn lên trở thành hộ sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi của huyện, ông Huy còn tích cực hỗ trợ, ủng hộ công tác xã hội tại địa phương. Mỗi năm, gia đình ông giúp đỡ 2 - 6 hộ nghèo; hỗ trợ 5 hộ nghèo vay vốn để sản xuất không tính lãi với số tiền 25 triệu đồng.
Là địa phương có diện tích đất sản xuất và lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp khá lớn, vì vậy, nông dân có vai trò, vị trí quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện Lạc Sơn. Nhiệm kỳ qua, HND huyện tích cực triển khai nghị quyết, chương trình trọng tâm của Hội đến các cơ sở hội. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất được kịp thời triển khai thực hiện, giúp nông dân vươn lên. Hàng năm, Hội xây dựng và ký Chương trình phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện về thực hiện công tác đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu của HVND, tập trung dạy nghề ngay tại các xã, thị trấn. Công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi, kết nối thị trường, lập phương án SXKD được chú trọng; phát triển các mô hình kinh tế tập thể nhằm giúp hội viên tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp được đẩy mạnh. Trong 5 năm, đã có 56 lớp dạy nghề được tổ chức cho 1.960 HVND tham gia. Nhờ đó, tỷ lệ nông dân có việc làm sau đào tạo của huyện đạt trên 85%; thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu đồng/ người/tháng.
Để tạo điều kiện về nguồn vốn, hỗ trợ đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo, Hội thực hiện tốt việc nhận ủy thác với các ngân hàng: Chính sách xã hội, Agribank, Liên Việt với tổng dư nợ trong 5 năm đạt hơn 452 tỷ đồng, thông qua trên 300 tổ tiết kiệm và vay vốn giúp trên 10.600 lượt hội viên vay. Cùng với đó, HND huyện quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với tổng số tiền trên 5,2 tỷ đồng; trong nhiệm kỳ đã hỗ trợ 22 mô hình, 440 lượt hộ hội viên vay vốn để xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề.
Các hoạt động hỗ trợ nông dân của Hội đã góp phần hình thành nên những mô hình SXKD hiệu quả của HVND. Từ các mô hình này từng bước hình thành, xây dựng nên thương hiệu một số nông sản, hàng hóa đặc trưng như tinh bột nghệ, thịt chua, rượu cần Đình Khói, hạt dổi Chí Đạo, ớt rẽ Phú Lương, gà đồi Hương Nhượng, thổ cẩm… Đồng chí Đinh Văn Toán, Chủ tịch HND huyện Lạc Sơn cho biết: Nhiệm kỳ qua, có 58.800 lượt hộ HVND đăng ký và có 57% hộ đăng ký đã đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp. Có được kết quả đó là bởi công tác tuyên truyền của Hội ngày càng đa dạng về nội dung và hình thức đã giúp HVND tiếp cận thông tin được tốt hơn. Ngoài ra, các hoạt động của tổ chức Hội được duy trì và phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt cho nông dân, tạo được sự đồng thuận. Điều đáng mừng là phong trào nông dân SXKD giỏi đã làm thay đổi tư duy, cách làm của người nông dân. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vốn, mở mang ngành nghề, củng cố các nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển SXKD, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn; tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa...