Hồi sinh báu vật của đại ngàn

Giữa 4 mùa mây trắng vờn quanh, dãy Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) sừng sững hiên ngang, như bàn tay của núi, vững chắc vươn lên bảo vệ thảm thực vật trong rừng nguyên sinh phong phú, trong đó có cây thuốc quý thất diệp nhất chi hoa-loài cây được ví như báu vật của đại ngàn.

Bảo vệ báu vật

Nhìn từ xa, 5 ngọn núi nằm sát nhau như 5 ngón tay xòe thẳng lên trời trông hùng vĩ và bí ẩn. Sa Pa mùa này vẫn chìm trong cái rét thấu xương. Xé toạc màn sương dày đặc, tôi ngược con dốc cao lên thôn Phìn Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn để tìm hiểu về công cuộc bảo vệ loài cây quý này. Tuyến đường lên thôn vốn đã cao vút, chênh vênh, nay mưa ướt lại khó đi bội phần. Bất lực trước đoạn đường lầy trơn trượt, tôi gửi tạm chiếc xe dã chiến ở một nhà dân rồi cuốc bộ lên thôn. Để gặp được chủ nhân của khu vườn đặc biệt, tôi phải hẹn trước với vợ chồng ông Lý Quẩy Tình và bà Lý Lở Mẩy.

Nhìn bộ dạng run lẩy bẩy của tôi, ông bà vội mời tôi vào ngồi bên bếp lửa. Trong ánh lửa bập bùng, tôi được nghe câu chuyện kể về những chuyến vào rừng già tìm cây rắn cắn, cây tam thất hoang của bà con người Dao ở Phìn Hồ; cách họ bảo tồn cây quý. Thôn Phìn Hồ có 47 hộ dân sinh sống thì 70% số hộ sở hữu vườn cây thuốc quý. Với họ, cây chản ton sinh còn gọi là củ rắn cắn (cách gọi của cây thất diệp nhất chi hoa theo người địa phương, dịch ra tiếng phổ thông có nghĩa là một cây quý có hoa đẹp). Người dân xưa kia thường tìm củ cây rắn cắn ngâm rượu. Chén rượu màu vàng sóng sánh từ cái bình thủy tinh cũ để từ lâu trong góc nhà uống vào không chỉ chữa được bệnh mà còn rất khỏe người.

Bà Lý Lở Mẩy bên cây thất diệp nhất chi hoa.

Bà Lý Lở Mẩy bên cây thất diệp nhất chi hoa.

Ngày còn nhỏ, ông Tình vẫn thường theo bố mẹ lên rừng hái thuốc. “Hồi đó, cây chản ton sinh mọc rất nhiều trên dãy Ngũ Chỉ Sơn và những ngọn núi cao trong xã. Chỉ cần đi đến bìa rừng là bắt gặp loại cây này. Vào mùa nở hoa, kết trái, chản ton sinh đẹp lộng lẫy như tên gọi của mình. Cây có 7 lá xòe ra, ở giữa là bông hoa màu tím, khi già trở thành đài hoa ôm lấy chùm hạt màu đỏ tươi như những viên bi son. Có hôm, bố mẹ tôi đào được những gốc to phải làm cáng để khiêng về. Người dân trong xã vẫn thường lên rừng lấy cây này về để chữa bệnh ho, khó thở do hen suyễn mỗi khi trời trở lạnh. Trong nhà tôi lúc nào cũng có cây thuốc này để không may khi đi làm nương bị đứt tay hoặc rắn cắn là bố mẹ tôi lấy lá đắp vào vết thương. Dù biết là cây quý nhưng bà con trong xã có quy định, chỉ đào những cây trưởng thành”, ông Tình nhớ lại.

Thế rồi, theo năm tháng thông tin ngày càng lan truyền, nhiều người biết hơn về công dụng của loài cây này và nơi sinh sống của chúng. Với giá trị kinh tế lớn đến hàng trăm triệu đồng, các cuộc “săn lùng” diễn ra. Chỉ trong vài năm, thất diệp nhất chi hoa thưa thớt dần, rất khó để gặp những cây lâu năm. Tây Bắc được xem là một trong những vùng thảo dược trọng điểm của cả nước. Theo thống kê sơ bộ, vùng này có hàng nghìn loài thảo dược, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Bắc lưu giữ nhiều bài thuốc cổ truyền được làm từ thảo dược có giá trị cao trong điều trị bệnh. Người dân tại đây cũng từng “hái ra tiền” nhờ lộc rừng này. Nhưng lộc rừng ngày càng khan hiếm.

Sinh ra và lớn lên bên những cánh rừng, cuộc mưu sinh cũng dựa vào đại ngàn, nhìn giống cây quý đứng trước nguy cơ bị tận diệt, ông Lý Quẩy Tình và nhiều người Dao khác ở Phìn Hồ không khỏi lo lắng. Để bảo vệ báu vật của trời đất, trả ơn đại ngàn, hơn 20 năm về trước, ông Tình đã quyết định bảo tồn cây quý bằng cách đưa về trồng trong vườn nhà.

Thuần hóa cây của rừng

Vốn dĩ mọc hoang dại nơi đại ngàn nên toàn bộ cây thất diệp nhất chi hoa bị úng hỏng khi theo ông Tình về vườn nhà trong năm đầu tiên. Để thuần hóa được giống cây của rừng không dễ, ông Tình tìm hiểu về đặc tính của giống cây. Sau nhiều ngày "ăn ngủ" cùng cây, ông Tình cũng chinh phục được “nàng công chúa” của đại ngàn. Nghe tin vợ chồng ông Tình trồng thành công cây dược liệu quý, nhiều gia đình đã đến tận nhà xin ông truyền dạy. Không giấu nghề, vợ chồng ông tận tình chỉ bảo với ước mong thế hệ trẻ sẽ góp phần hồi sinh giống cây tinh hoa của trời đất.

Kể tới đây, vợ ông-bà Mẩy ngồi kế bên bảo, vì là loại cây quý nên thường xuyên bị mất trộm. Mỗi cây phải mất 4-5 năm chăm sóc mới ra hoa, kết quả nhưng nhiều lần, chỉ sau một đêm, thành quả của những tháng ngày dài đằng đẵng ấy bỗng dưng biến mất. Uống xong chén trà nóng cho ấm người, tôi được bà Mẩy dẫn đi thăm khu vườn quý. Không giống với hình dung của tôi và nếu bà Mẩy không nói thì tôi không thể biết khu vườn quý đang ở ngay trước mặt mình, ẩn trong đám cây dại um tùm ngoài kia.

Dẫn tôi ra thăm đồi trồng thất diệp nhất chi hoa, bà Mẩy chia sẻ: "Vì bị mất trộm nhiều lần nên vợ chồng tôi chuyển nhà lên khu đất cao trong thôn, đầu tư mua lưới sắt về rào toàn bộ diện tích trồng loại cây này". Vòng qua khu đất, tôi phải vất vả chui qua mấy lớp hàng rào mới vào được bên trong vườn trồng cây. Trong khu đồi rộng chừng 5.000m2, những cây thất diệp nhất chi hoa vươn mình mơn mởn cùng các loại cây dại. Thấy vậy, tôi liền thắc mắc vì sao cỏ dưới những gốc cây được nhổ rất sạch, đến nỗi hiện rõ từng mầm cây con đang nhú, nhưng lại để cây dại mọc um tùm, có phần choán hết độ xòe của lá cây quý. Nghe vậy, bà Mẩy cười và bảo: "Đó là cách để chúng tôi “ngụy trang”, bảo vệ loại dược liệu này khỏi sự rình mò của những tên trộm".

Lần đầu được vào thăm khu vườn cây dược liệu quý như vàng, tôi không dám tự đi mà theo sự hướng dẫn tỉ mỉ của chủ vườn. Bước chân vào vườn phải nhìn thật kỹ, bởi chỉ cần vô tình có thể giẫm gãy những mầm cây rắn cắn đang nhú lên. Khu vườn không chỉ có một vài cây rắn cắn mà có tới cả trăm cây thất diệp nhất chi hoa, thậm chí nghìn cây đang mọc lên, trong đó có những cây rắn cắn chục năm tuổi. Bới lớp đất dưới gốc cây, tôi thấy lộ ra thứ củ màu nâu đen nhiều đốt gần giống củ ráy. Đây chính là thứ củ quý hiếm nhiều người đang săn tìm, bán với giá tiền triệu. Theo bà Mẩy đi sâu vào khu đồi, vừa đi, tôi vừa được nghe bà Mẩy kể về cách chăm sóc loài cây này. Hóa ra, nghề nào cũng lắm công phu, để thuần hóa cây của rừng, người trồng phải dành rất nhiều thời gian chăm sóc, thường xuyên làm cỏ, xới đất, phải bảo đảm đất vừa đủ độ ẩm, bởi chỉ hơi úng nước, cây sẽ bị thối củ. Điều này đồng nghĩa với việc bao công sức chăm bón sẽ theo dòng nước đổ ra sông, ra biển.

Càng đi sâu vào đồi cây, màu xanh và vẻ đẹp của thất diệp nhất chi hoa càng khiến tôi mê mẩn. Bỗng ánh mắt của tôi bất ngờ bị giữ lại bởi màu đỏ nhỏ như một đốm lửa giữa trời đông, nổi bật giữa triền xanh bạt ngàn. Đó là quả của cây thất diệp nhất chi hoa đã có tuổi đời gần 5 năm. “Người Dao Phìn Hồ chúng tôi mong chờ cái màu đỏ này từng ngày, từng giờ. Nó sẽ là nguồn giống để chúng tôi nhân rộng diện tích trồng loại cây dược liệu quý này”, bà Mẩy chia sẻ.

Mưa mỗi lúc một nặng hạt, rét thêm phần tê tái. Bà Mẩy bảo, chỉ mong trời thật rét. Hóa ra, cái lạnh vượt quá sức chịu đựng của con người, lại là thời tiết lý tưởng để thất diệp nhất chi hoa sống khỏe. Gió Đông Bắc luồn qua lớp áo dày sụ khiến những mạch máu hai bên thái dương của tôi như co lại. Không thể vượt qua giới hạn chịu lạnh, tôi ngỏ ý muốn trở về bên bếp lửa. Bên bếp lửa hồng, câu chuyện về “nàng công chúa” của đại ngàn như kéo dài mãi với niềm tin vào sự hồi sinh. Mong ước của ông Tình cũng như các hộ ở Phìn Hồ, một ngày không xa, chản ton sinh lại nở hoa rực rỡ giữa đại ngàn.

Từ nay, người dân ở Phìn Hồ không còn cảnh lang thang vào rừng đào bới, tìm kiếm vất vả nữa. Thành công bước đầu của mô hình không chỉ góp phần bảo tồn giống thực vật quý hiếm này mà còn tạo sinh kế cho người dân thực hiện xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống và giảm áp lực lên rừng đặc dụng.

Bài và ảnh: HOÀNG THU NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/hoi-sinh-bau-vat-cua-dai-ngan-719750