Hồi sinh cho những rừng tiêu

Đến xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, điều nhận thấy đầu tiên là màu xanh của tiêu. Giống tiêu Vĩnh Linh lá nhỏ, hạt to chắc, cay và thơm, chống hạn, kháng bệnh tốt từ lâu đã bám trụ nơi này. Nhưng đặc biệt hơn cả, hầu hết vườn tiêu đều của các cựu chiến binh (CCB). Nhà đất ít cũng trồng vài trăm nọc, nhà đất nhiều trồng vài héc ta. Ở Lộc Quang, cây tiêu không đơn thuần là cây kinh tế mũi nhọn mà còn thể hiện sự vượt khó, khát vọng vươn lên thoát nghèo của những CCB.

Thương binh Trần Văn Hăng (bên phải) và anh Ngô Văn Tuyển trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cây tiêu. Ảnh: Duy Hiến

Thương binh Trần Văn Hăng (bên phải) và anh Ngô Văn Tuyển trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cây tiêu. Ảnh: Duy Hiến

Tôi bất ngờ trước 2 vườn tiêu của gia đình anh Ngô Văn Tuyển, Chủ tịch Hội CCB xã Lộc Quang. Một đêm nghỉ lại tại nhà anh Tuyển, tôi nghe anh kể lại câu chuyện của nhiều năm trước. Có được cơ ngơi tài sản và những vườn tiêu xanh tốt như bây giờ, anh Tuyển đã trải qua bao nỗi vất vả, khó khăn.

Anh Tuyển cho biết, trước đây, nơi này tiền thân là của Hội CCB phường 13, thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó, anh Tuyển vừa mới phục viên và theo đoàn đi thăm lại chiến trường xưa. Tận mắt nhìn đất đai màu mỡ và thấy chủ trương của Nhà nước khuyến khích Hội CCB trồng vườn phủ xanh đồi trọc, thế là đoàn có 21 CCB đều hăm hở ở lại khai phá làm kinh tế trên vùng đất kháng chiến xưa.

Thời gian đầu rất gian nan, vất vả, các CCB luôn phải đối mặt với sốt rét, vắt rừng, thức ăn khan hiếm, thiếu thốn. Nhiều người không trụ nổi đành sang nhượng công khai phá cho người ở lại và bỏ về thành phố. Chỉ còn lại 5 người, trong đó có anh Tuyển. Để ủi đất, cày lại phải tốn 7 triệu đồng/ha, thời điểm năm 1996, phải làm đi làm lại nhiều lần đất mới trồng hoa màu được. Sau đó, anh Tuyển trồng cao su, mỗi năm trồng thêm một ít, chỉ cốt lấy gỗ và trồng thêm hồ tiêu. Không ngờ sau đó, giá cao su và hồ tiêu cao dần, sản lượng 2 vườn tiêu nhà anh đạt bình quân 8 tấn hạt khô/vụ... Anh Tuyển và những người ở lại coi như đứng vững.

Toàn xã Lộc Quang hiện có 99 CCB. Từ Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch UBND xã đều là CCB và họ chọn cây tiêu làm cây kinh tế chủ lực. Anh Tuyển đưa tôi đến tham quan vườn tiêu của gia đình thương binh 4/4 Trần Văn Hăng, có trên 2.000 cọc tiêu. Ông Hăng vừa được tuyên dương cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi và giàu lòng nhân ái, tại lễ họp mặt CCB, thương bệnh binh gương mẫu do Hội CCB tỉnh Bình Phước tổ chức nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 vừa qua. Bố ông Hăng là liệt sĩ và mẹ ông cũng đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1974, ông Hăng tình nguyện tham gia kháng chiến và chiến đấu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông bị thương trong lần chống càn bảo vệ căn cứ cách mạng ở ấp 4, Rạch Giáng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Điều trị vết thương xong, ông tiếp tục về Huyện đội Thới Bình công tác. Đến tháng 2-1981, ông Hăng được xuất ngũ về địa phương.

Năm 2000, ở quê không có đất sản xuất, ông Hăng đưa gia đình đến ấp Bù Tam, xã Lộc Quang lập nghiệp, làm kinh tế. Bước đầu, ông chỉ mua được 3 sào đất trồng dưa hấu, rồi mạnh dạn vay vốn thuê đất trồng dưa, bắp, rau sạch phát triển kinh tế. Qua nhiều năm tích góp, gia đình ông mua thêm được 5ha đất trồng dây tiêu và cao su. Từ đó đến nay, hằng năm, gia đình ông Hăng thu lời hơn 500 triệu đồng từ vườn.

Điều đáng trân trọng là ông Hăng rất giàu lòng nhân ái. Vườn tiêu và vườn cao su của ông tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, lương tháng đạt 5 triệu đồng/người. Hằng năm, ông tặng quà, tiền mặt trị giá hơn 30 triệu đồng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và các hộ nghèo tại địa phương. Ngoài ra, ông còn đóng góp hàng chục triệu đồng mỗi năm vào quỹ nghĩa tình đồng đội, xây dựng nông thôn mới, sửa chữa nâng cấp đường, cầu, cống tại địa phương.

Cũng như CCB Ngô Văn Tuyển, thương binh Trần Văn Hăng..., vườn tiêu của gia đình CCB Trần Thị Lan ở ấp Bồn Xăng cũng đã qua mấy lần gục ngã, tưởng chừng không vực nổi, phần về hạn hán, phần về mưa giông vùng đầu nguồn quá khắc nghiệt. Với bà Lan, vườn tiêu của gia đình còn giữ nhiều kỷ niệm vui buồn với người chồng quá cố. Những đêm giông gió, bà và chồng thổn thức không ngủ, cầu sao giông lốc đừng đổ nọc tiêu. Kiên trì chăm chút đúng kỹ thuật, đến nay vườn tiêu của bà đã có trên 1.000 nọc cho thu hoạch, trở thành mô hình điểm cho CCB học tập.

Với ý chí vượt khó, bền bỉ và luôn đặt niềm tin vào tương lai, những CCB xã Lộc Quang đã hồi sinh cho những rừng tiêu trù phú, vững bền ở vùng đất lịch sử nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Duy Hiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoi-sinh-cho-nhung-rung-tieu-post433428.html