Hồi sinh cổ phục Việt

Trong khoảng 10 năm qua, phong trào phục dựng và phỏng dựng cổ phục Việt phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự ra đời của nhiều cá nhân và đơn vị nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này.

Hoàng bào của vua nhà Nguyễn mặc lúc thiết lễ đại triều được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế.. (Ảnh: Vân Chi)

Hoàng bào của vua nhà Nguyễn mặc lúc thiết lễ đại triều được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế.. (Ảnh: Vân Chi)

Các phong trào trên cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, phong trào này vẫn phải đối mặt với không ít trở ngại...

Phục dựng và phỏng dựng cổ phục đều nhằm tái hiện trang phục xưa dựa trên tư liệu lịch sử, trong đó phục dựng yêu cầu độ chính xác cao, còn phỏng dựng có thêm yếu tố phỏng đoán do thiếu tư liệu. Từ các hội nhóm và thương hiệu Việt phục như Đại Việt Cổ Phong, Đại Việt Phong Hoa, Ỷ Vân Hiên, Great Vietnam... dần phát triển thành một phong trào cộng đồng về cổ phục được đông đảo công chúng hưởng ứng.

Minh chứng rõ nét là sự kiện “Bách Hoa Bộ Hành 2024”, thu hút hơn 10.000 lượt đăng ký trên các nền tảng; dự án “Tái hiện lối sống quý tộc thời Lê Trung Hưng” của Đại Việt Phong Hoa, đã phỏng dựng trang phục của Tham tụng Nguyễn Quán Nho, Cẩn nhân Từ Khoan - Thạch Quý thị, Tế tửu Vũ Miên, Phu nhân Diệu Tịnh – Nguyễn Thị Thanh; Đại Nam Chân Ảnh đã tái hiện áo Bình Lĩnh của Nhất phẩm Phu nhân Phan Thị Tiệp hay một số dạng thức trang phục của nữ giới thời Nguyễn.

Nhận diện thách thức

Thế nhưng, công cuộc phục dựng cổ phục không hề dễ dàng. Thách thức lớn nhất mà các nhà nghiên cứu gặp phải là việc thiếu hụt tư liệu và hiện vật cổ. Nhiều tài liệu bị thất lạc do chiến tranh và điều kiện khí hậu, gây khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu để phục dựng.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (người sáng lập Thủy Trung Nguyệt và Đại Nam Chân Ảnh, Trưởng Ban tổ chức Bách Hoa Bộ Hành) cho rằng: “Những nguồn tư liệu hiện có rất nhặt nhạnh, vụn vặt, giống như nhặt lại từng mảnh vỡ của một cái chén về vậy. Rất khó để có thể thu thập được hết và biết nó thực sự có hình thù như thế nào”.

Không chỉ vậy, việc tiếp cận tư liệu hiện nay gặp không ít trở ngại. Bên cạnh một số cơ quan đã có sự hỗ trợ, nhiều bảo tàng và đơn vị lưu trữ vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi để các nhà nghiên cứu độc lập, đặc biệt là những người trẻ, có thể tiếp cận và đối chiếu thông tin. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phục dựng.

Một thách thức khác là việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Để tái hiện đúng giá trị cổ xưa, chất liệu truyền thống như vải dệt thủ công là không thể thiếu. Tuy nhiên, như nhà nghiên cứu lịch sử Phan Thanh Nam (bút danh Ấm Chè) chia sẻ: “Vải dệt thủ công ở các làng nghề hiện có giá thành quá cao so với mức kinh phí mà các đơn vị tư nhân có thể thực hiện được. Ngoài ra, mẫu mã còn khá đơn điệu và không phải các mẫu mã cổ mà mình cần. Vì thế, nhiều nhà nghiên cứu buộc phải chuyển sang sử dụng vải hiện đại”.

Trước đây, các nhà nghiên cứu thường tự bỏ kinh phí cá nhân để thực hiện công việc nhưng kết quả ít khi được công nhận rộng rãi và ứng dụng trong các bảo tàng hay đơn vị trưng bày. Để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê phục dựng cổ phong, họ phải thương mại hóa sản phẩm nhằm tạo nguồn kinh phí cho các nghiên cứu tiếp theo.

Tuy nhiên, quá trình này đã dẫn đến thực trạng xuất hiện các nhà may sao chép các thành phẩm nghiên cứu có trước, chạy theo lợi nhuận mà không đầu tư vào nghiên cứu chính thống. Những sản phẩm “ăn theo” chứa nhiều sai lệch, làm ảnh hưởng tiêu cực đến giới nghiên cứu, đồng thời khiến công chúng hiểu sai về giá trị của cổ phục Việt.

Chung tay bảo tồn

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt tư liệu, việc công bố và chia sẻ thông tin về các hiện vật cổ xưa là cực kỳ cần thiết. Một giải pháp quan trọng trong thời đại số hiện nay được TS. Trần Đoàn Lâm - nguyên Chủ tịch Quỹ Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam Phát triển Văn hóa vùng và Dân tộc ít người, đề xuất là có thể dùng máy móc, trí tuệ nhân tạo để phân tích, đưa ra những lời giải đáp về chất liệu, cách thức làm, có thể dựa vào công nghệ 3D, không gian ảo để phục dựng hiện vật.

Nhà nghiên cứu Phan Thanh Nam cho rằng, cần tăng cường sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu và các làng nghề. Để phục dựng một bộ cổ phục hoàn chỉnh, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt trong việc cung cấp các chất liệu truyền thống.

Theo chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, công tác phục dựng cổ phục cần phối hợp từ nhiều cá nhân, từ đó mới lan tỏa được tính cộng đồng rộng rãi: “Một cái áo phải là sự cộng tác của rất nhiều vị trí, con người khác nhau”. Chị nhấn mạnh sự quan tâm từ các cơ quan nhà nước là rất cần thiết. Mặc dù hiện nay, một số cơ quan đã bắt đầu chú trọng đến phong trào phục dựng cổ phục nhưng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa vẫn cần được xem xét.

Việc phát triển cổ phục vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, vừa có thể thúc đẩy du lịch và quảng bá bản sắc văn hóa Việt ra thế giới. Bản thân các nhà nghiên cứu cần kiên trì, nghiêm túc trong công tác đối chiếu tư liệu, hiểu đúng các quy chuẩn may mặc và các đặc điểm văn hóa, dân tộc để mang được bản sắc truyền thống vào các bộ cổ phục Việt.

VÂN CHI

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-sinh-co-phuc-viet-300354.html