Hồi sinh đàn cá Mát giữa đại ngàn xứ Nghệ

Trước nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản, tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện mô hình 'Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát suối Nặm Cướm'. Nhờ đó, đàn cá Mát đang được hồi sinh mạnh mẽ, mang lại niềm vui lớn cho người dân và chính quyền địa phương nơi đây.

Đặc sản của đồng bào vùng sơn cước

Suối Nặm Cướm bắt nguồn từ một dòng chảy nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Theo tiếng Thái của đồng bào nơi đây, núi Pù Huống được dịch ra là núi lớn. Dãy núi lớn này là tên gọi chung một vùng rộng lớn kéo dài một vùng giáp ranh giữa các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Tương Dương (Nghệ An).

Từ sự chung tay bảo vệ tốt diện tích rừng đầu nguồn từ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống của cán bộ kiểm lâm và người dân nơi đây mà dòng nước suối Nặm Cướm bốn mùa trong veo, cây cối tươi tốt. Cũng chính vì vậy nguồn nước này là nơi sinh sống lý tưởng của các loại cá suối như: Cá Mát, cá Còm, Chạch…

Chính quyền địa phương thử thả lưới bắt cá đánh giá hiệu quả mô hình sau 1,5 năm bảo vệ.

Chính quyền địa phương thử thả lưới bắt cá đánh giá hiệu quả mô hình sau 1,5 năm bảo vệ.

Nguồn nước từ con suối hiền hòa, yên bình này kéo dài hàng chục ki lô mét còn là nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho các đồng lúa xanh tươi tốt ở các bản Cướm, bản Chao xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu.

Cùng với sự dẫn dắt của cán bộ xã khảo sát dọc con suối Nặm Cướm, còn có ông Lữ Văn Huê, Bí thư bản Cướm, xã Diên Lãm- người đã cùng chính quyền địa phương tuyên truyền từ những ngày đầu xây dựng mô hình bảo tồn Cá Mát chia sẻ: Cá Mát, Chạch sông, cá Láu… là những loại cá chủ yếu ở con suối này.

Trước đây, con suối nước nhiều lắm, khi tôi đang còn nhỏ khoảng 6-7 tuổi, ngày nào bố tôi cũng quăng chài kiếm thức ăn cho cả đại gia đình gần chục khẩu.

Mỗi lần đi bắt, khi ít thì được 4-6 lạng, có đợt trúng “mẻ” chài lớn đưa về cả chục cân, có những con to lắm, cá Mát to bằng bắp tay người lớn, cá Láu hơn 1kg. Con suối này như một cái “ao” chung của bản làng, nguồn lợi từ thủy sản như món quà của thiên nhiên ban tặng cho các hộ dân sinh sống dọc con suối.

“Cá được lựa chọn là thực phẩm để nấu món những ngày đầu cho người mẹ mới sinh con như nướng than, kho nghệ, kho sả… Người Thái chúng tôi hay chế biến món “hỏ mọc” hoặc “hỏ cà nạp”, hay chỉ cần vài con cá với nắm rau dún ven suối về nấu lên, bỏ thêm ít bột gạo đâm sẽ thành món súp truyền thống mà người dân hay gọi là “Canh ột”.

Đặc biệt hơn, các con cá mới được bắt về chế biến nướng trên than củi sẽ tạo nên món cá Mát nướng thơm lừng. Món này chấm với ít súp và bột Mạc Khén (tiêu rừng) là một món đặc sản riêng của đồng bào Thái. Người dưới xuôi lên được thưởng thức sẽ không bao giờ quên”- ông Lữ Văn Huê chia sẻ thêm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, xã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, chiêm ngưỡng cá Mát trên các đoạn suối Nặm Cướm được bảo vệ.

Từ đầu năm 2024 đến nay, xã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, chiêm ngưỡng cá Mát trên các đoạn suối Nặm Cướm được bảo vệ.

Theo lời kể của ông Huê, dòng suối này chỉ “thịnh” các loại cá những năm trước 2007. Sau những năm đó, địa phương bắt đầu xuất hiện các loại bắt cá “tận diệt” như: kích cá điện hoặc nổ mìn… khiến cho cá Mát, cá Láu và nhiều loại cá khác ở suối Nậm Cướm gần như cạn kiệt. Điều tệ hại hơn, những loại kích và mìn nổ không chỉ làm cho cá chết, mà trứng các loại cá cũng bị hư hỏng, không còn khả năng nở con.

Hiệu quả bước đầu, mở ra những kỳ vọng mới

Anh Lang Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Diên Lãm cho biết, trước thực tế bắt đầu cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trên các khe, suối, Đảng ủy và chính quyền xã thấy rằng, cần phải bắt tay ngay vào việc thực hiện bảo tồn lại nguồn lợi thủy sản cá Mát và các loại cá trên dòng suối Nặm Cướm.

May mắn thời điểm này, anh Đông là thành viên được Huyện ủy và Ban dân vận huyện tạo cơ hội được tham gia chuyến tham quan học hỏi tại một xã của huyện Tương Dương - nơi đã xây dựng đề án bảo tồn cá Mát.

Anh Đông chia sẻ: “Với địa hình, địa bàn, khí hậu và điều kiện của huyện Tương Dương đặc thù giống xã Diên Lãm, việc xây dựng mô hình, đề án của huyện Tương Dương thành công mang lại nhiều lợi ích cho các bản, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường”...

Bản Nặm Cướm và dòng suối Nặm Cướm nhìn từ trên cao.

Bản Nặm Cướm và dòng suối Nặm Cướm nhìn từ trên cao.

Sau chuyến tham quan đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Thường trực Đảng ủy xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn lên kế hoạch xây dựng đề án. Kỳ họp HĐND cuối năm 2022, đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát suối Nặm Cướm gắn với du lịch sinh thái cộng đồng xã Diên Lãm” được thông qua và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đại biểu HĐND xã.

Khi bắt tay vào triển khai, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc bằng việc ra thông báo nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác.

Những quy định được đưa ra mang tính răn đe nghiêm minh như: Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Diên Lãm sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn; người dân trên địa bàn đánh bắt thủy sản trái với quy định như: dùng kích điện, thuốc nổ sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính.

Cùng với đó, bản Cướm chỉ đạo các tổ bảo vệ, phát hiện các trường hợp vi phạm đánh bắt thủy sản theo từng khúc suối cụ thể, đồng thời cắm biển báo cho người dân được biết.

Tính từ khi đưa ra thông báo cấm đánh bắt thủy sản trên dọc các con suối Nặm Cướm đến nay đã có 4 vụ bắt cá bằng kích điện bị phạt vi phạm hành chính; khoảng 35-40 vụ thả lưới bị tịch thu hiện vật và cảnh cáo bằng hình thức nhắc nhở.

Nhân rộng mô hình, gắn với du lịch sinh thái

Sau 1 năm rưỡi xây dựng mô hình, khi khảo sát nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy, các đàn cá Mát số lượng tăng lên rất nhiều so với trước đây. Mỗi lần người dân và các đoàn khách tham quan đến đây muốn ngắm cá có thể thả ít cám gạo sẽ thấy từng đoàn cá nổi lên ăn rất “mãn nhãn”.

Thấy được sự phát triển nhanh của số lượng cá trên các khúc suối, đầu năm 2024 đến nay, chính quyền địa phương và cán bộ Ban quản lý bản Cướm đã thử thả lưới các đoạn suối cho thấy mỗi mẻ thu về từ 1,5 đến 2kg cá Mát, cá Láu…

Những khu vực có cá xuất hiện nhiều nhất như Vắng Nật (Na Lạnh); cầu treo bản Cướm, Vắng Pá và khu vực sau UBND xã (bản Chao)… Cá Mát xuất hiện thành từng đàn nối đuôi nhau và nhiều nhất khi trời nắng vào các khung giờ từ 10h trưa đến chiều.

“Bên cạnh kết quả đạt được, việc duy trì mô hình cá Mát hiện nay cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành để mở ra triển vọng trong tương lai: Thực hiện “Bảo tồn cá Mát gắn với du lịch sinh thái” cho địa bàn, từng bước hình thành chuỗi liên kết giữa các loại hình nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển một số khu du lịch sinh thái tại xã Diên Lãm”, anh Lang Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Diên Lãm cho biết thêm.

Gia Ân-Bé Vinh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/hoi-sinh-dan-ca-mat-giua-dai-ngan-xu-nghe-443066.html