Hồi sinh đào sau Tết
Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, người trồng đào ở Nông Tiến (TP Tuyên Quang) lại tất bật với công việc 'hồi sinh' các gốc đào, chuẩn bị cho một mùa vụ mới.
Vụ đào năm nay được ông Phạm Bá Điều, chủ vườn đào tại tổ 9, phường Nông Tiến đánh giá là thành công bởi thời thiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp Tết, lượng khách chơi đào tăng hơn so với năm trước. Ông Điều cho biết, những năm gần đây, khi dịch vụ cho thuê đào ngày càng phổ biến thì người chơi ít vứt xác đào mà tìm đến các nhà vườn để thuê về để chơi Tết, với giá cả phải chăng rồi gửi lại nhà vườn trồng. Những gốc đào khi mang đến được ông Điều xem xét tình hình sinh trưởng, khả năng phát triển và cho hoa rồi mới nhận cây. Sau đó, những cây đào được cắt tỉa, đánh dấu tên chủ, trồng lại và bắt đầu thực hiện quá trình chăm sóc để đào kịp ra hoa vào đúng dịp năm tới. Thời điểm trồng lại đào tốt nhất là trước rằm tháng giêng. Khi đó, cây còn chưa bị héo, sau khi xuống đất mới có thể bén rễ hồi xanh được.
Sau khi đào về vườn, cây đào nhanh chóng được vận chuyển tới chỗ trồng để kịp thời “hồi sinh”. Các gốc đào khi đưa vào trồng sẽ được bỏ ra khỏi chậu và cắt tỉa cành. Việc trồng, chăm sóc đào phải đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật ngay từ những ngày đầu, bởi chỉ cần sai sót đều có thể ảnh hưởng tới sự phát triển, sinh trưởng, nở hoa của cây sau này. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi các chủ vườn phải là những người có kinh nghiệm. Bởi vậy, người trồng đào ở đây đều có một bí quyết riêng cho việc chăm sóc cây đào vốn đã trở thành thương hiệu. Một gốc đào nếu được chăm sóc tốt có thể được quay vòng từ 3 - 4 năm.
Cũng làm nghề trồng đào tại tổ 9, gia đình ông Chu Minh Thành đang tích cực thu gom lại đào để thực hiện “hồi sinh”. Ông Thành cho biết, người dân chơi đào sớm từ 10-12 (Âm lịch) nên đa phần hết mùng 10 tháng giêng, không chỉ nhà ông mà các hộ trồng đào khác lại rục rịch chuẩn bị bước vào vụ mới. Năm nay, thời tiết rét kéo dài lại kèm mưa nhiều, người trồng đào tuy vất vả hơn nhưng rất phù hợp để trồng cây mới và hồi sinh.
Tay thoăn thoắt vun đất cho từng gốc đào, ông Nguyễn Văn Thảo, tổ 8, phường Nông Tiến đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề này chia sẻ, quá trình chăm sóc đào sau Tết vừa khó lại vừa dễ, đòi hỏi chủ vườn phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức. Trong đó, việc đầu tiên là phải làm đất, bởi sau một lứa đào thì đất đã không còn được tơi xốp nên để đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của cây thì bắt buộc phải cải tạo lại đất. Trong quá trình chăm sóc nhà vườn sẽ gọi điện cho người gửi để thông báo tình hình phát triển của cây. Bên cạnh đó cũng phải chuẩn bị sẵn cây khác để thay thế phòng trường hợp cây chết, hoặc không nở hoa vào đúng dịp Tết.
Việc thu gom, “hồi sinh” đào sau Tết cũng tạo việc làm cho nhiều người lao động quanh vùng. Mỗi dịp Tết, gia đình ông Thảo đều phải thuê 2 - 3 lao động chuyên chở và trồng đào. Trong vòng nửa tháng, họ cần mẫn mang vác, chuyên chở và có thể kiếm được 8 - 15 triệu đồng mỗi vụ đào Tết.
Vụ đào mới lại bắt đầu với sự ủng hộ của tiết trời xuân. Dù là đầu vụ nhưng người dân rất chuyên tâm, cẩn thận với hy vọng về một năm mưa thuận gió hòa và đào sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán năm sau.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/hoi-sinh-dao-sau-tet-154845.html