Hồi sinh 'Đấu trường La Mã' của Việt Nam
Cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré tọa lạc tại P.Thủy Biều (TP Huế, TT-Huế) là một bộ phận cấu thành của quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1993. Bên cạnh ý nghĩa lịch sử của công trình, Hổ Quyền - Voi Ré còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tư tưởng thời Nguyễn. Sau một thời gian tu bổ, tôn tạo; công trình sắp sửa được đưa vào khai thác.
Cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré tọa lạc tại P.Thủy Biều (TP Huế, TT-Huế) là một bộ phận cấu thành của quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1993. Bên cạnh ý nghĩa lịch sử của công trình, Hổ Quyền - Voi Ré còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tư tưởng thời Nguyễn. Sau một thời gian tu bổ, tôn tạo; công trình sắp sửa được đưa vào khai thác.
Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 5km về phía Tây, cụm di tích Hổ Quyền - Điện Voi Ré được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830) và đây được xem là công trình “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhận định: Đấu trường Hổ Quyền rất độc đáo và quý hiếm. Ngoài đấu trường La Mã nổi tiếng thời cổ đại, khó tìm được một đấu trường nào trên thế giới có quy mô như Hổ Quyền...
Cũng từ đó, nhiều người ví Hổ Quyền như là một “đấu trường La Mã” của Việt Nam. Theo các nhà sử học, Hổ Quyền là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem; đồng thời luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận. Với niên đại gần 200 năm, Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn, có kiến trúc độc đáo, đồ sộ, kiên cố như một thành trì. Vòng thành trong cao 5,9 m; vòng thành ngoài cao 4,75m, đường kính lòng chảo là 44m. Vât liệu xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa... Đối diện với khán đài có 5 cái chuồng nhốt hổ. Có 2 lối dẫn lên khán đài bằng các bậc đá, một lối dành riêng cho vua và quốc thích đại thần, một lối dành cho quan chức và binh lính.
Theo các nhà nghiên cứu, nghi thức tổ chức các trận quyết đấu giữa voi và hổ rất trang trọng. Ngày đấu, dân chúng địa phương quanh vùng đặt hương án, lễ vật. Chung quanh đấu trường bày nghi trượng, cắm cờ dựng lọng. Một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bờ sông. Suốt trên đoạn đường này, người ta phải trải chiếu hoa để đón nhà vua. Đúng chính Ngọ (12 giờ trưa), vua cùng đoàn tùy tùng ngự thuyền rồng đến bến đò Long Thọ. Khi thuyền áp sát bờ sông, vua lên kiệu. Đi trước là lính Ngự lâm quân, rồi Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần; tiếp theo là đội nhạc cung đình. Các quan lại trong triều quỳ nghênh đón ở chiếu hoa trải trên đường rồi theo vua vào cổng giữa lên khán đài...
Dưới thời nhà Nguyễn, voi là biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực tối thượng tượng trưng cho triều đại nên phải luôn là kẻ chiến thắng, còn hổ đại diện cho thế lực quân địch hung tàn nên là kẻ thua cuộc. Theo tài liệu nghiên cứu, trận đấu cuối cùng tại Hổ Quyền diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Kể từ đó, đấu trường không còn hoạt động và bị bỏ hoang cho đến ngày nay. Nhiều bậc cao niên ở gần Hổ Quyền kể lại rằng: mỗi viên gạch của Hổ Quyền đều rất linh thiêng. Nghe đâu trước đây có nhiều người đem gạch ở đây về xây nhà, chẳng hiểu vì lý do gì có người làm ăn lụn bại, người bị tai nạn, từ đó chẳng còn ai dám lấy gạch ở Hổ Quyền về làm nhà nữa(?).
Nằm cách di tích Hổ Quyền khoảng 150m là Điện Voi Ré. Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Điện Voi Ré được xây dựng do vua Gia Long và người dân thời đó rất kính phục lòng trung thành của con voi chết vì chủ. Trải qua thời gian, di tích Hổ Quyền- Voi Ré xuống cấp trầm trọng và vừa qua đã được trùng tu, phục hồi với nhiều hạng mục.
Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết, mới đây, sau khi khảo sát thực địa cụm di tích Hổ Quyền-Voi Ré, tỉnh thống nhất giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án chỉnh trang đến khoanh vùng II bảo vệ di tích; trước mắt ưu tiên khẩn trương tổ chức giải tỏa nhà dân nằm tiếp giáp vị trí Hổ Quyền. Giao UBND TP Huế phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành và chỉnh trang khu vực trước Festival Huế diễn ra vào cuối tháng 8-2020. Bên cạnh đó, có phương án nghiên cứu tái tạo hình ảnh đấu trường bằng giải pháp công nghệ để phục vụ du khách. Đối với tuyến đường vào di tích hướng chính là đường Bùi Thị Xuân, TP Huế có quy mô mặt cắt đường đảm bảo đủ 2 làn xe.
Ngoài ra, đường vào Hổ Quyền- Voi Ré phải là đường đi bộ, có khoảng cách các bãi đổ xe vào cụm di tích khoảng 300-400m, thuận tiện cho việc di chuyển cũng như tham quan của du khách. Như vậy, việc khai thác cụm di tích Hổ Quyền- Voi Ré sẽ hồi sinh một di tích có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, để nơi đây trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, độc đáo đối với du khách trong nước và quốc tế.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_227632_hoi-sinh-dau-truong-la-ma-cua-viet-nam.aspx