Hồi sinh Dòng chảy phương Bắc 2: Loạt nước châu Âu lên tiếng, Đức nêu rõ quan điểm về khí đốt Nga
Gần đây, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock khẳng định: 'Không tái khởi động Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) là cách tự bảo vệ tốt nhất của chúng ta'.

Công trình lắp đặt đường ống trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức. (Nguồn: Getty Images)
Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho rằng, một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã từng cảnh báo Đức rằng, "đường ống dẫn khí đốt như Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ là một dự án kinh tế thuần túy mà còn phục vụ cho các lợi ích địa chính trị”.
Do đó, khi Nga sử dụng khí đốt như một vũ khí, việc không tái khởi động nhập khẩu khí đốt là hành động để tự vệ, củng cố năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Baiba Braze cho biết, việc khôi phục lại đường ống Dòng chảy phương Bắc và nguồn khí đốt Nga là "không thể chấp nhận được".
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski cũng bày tỏ sự phản đối vấn đề này.
Đức đã cơ bản ngừng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine bắt đầu từ năm 2022.
Đường ống Dòng chảy phương Bắc nối Berlin với Moscow đã bị hư hại cả 2 nhánh trong vụ nổ năm 2022. Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 có 1 nhánh còn nguyên vẹn nhưng đường ống này chưa được Đức cấp phép vận hành.
Tập đoàn khí đốt Gazprom nắm giữ phần lớn cổ phần của Dòng chảy phương Bắc và là chủ sở hữu duy nhất của Dòng chảy phương Bắc 2. Từ lâu, các quốc gia Baltic và Ba Lan đã phản đối dự án này.
Ý tưởng đưa Dòng chảy phương Bắc trở lại đang được nêu ra trong thời gian gần đây trong khuôn khổ thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Ukraine.