Hồi sinh giá trị văn hóa từ kỷ vật
Một chiếc đơm, chiếc đó, cối đá hay nồi đồng… tuy không quá xưa cũ nhưng khi xuất hiện ở thời nay thì vẫn được gọi vui là đồ 'cổ'. Thầm lặng giữa nhịp sống hiện đại, những đồ vật này chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo. Đã có không ít người luôn dành nhiều công sức để tìm tòi, sưu tập các món đồ cũ, kỷ vật xưa để góp phần hồi sinh các giá trị văn hóa của dân tộc.
Ông giáo mê cổ vật
“Ông giáo” mê cổ vật là biệt danh mà người dân đặt cho ông Phạm Ngọc Vỹ ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú. Bởi ngoài công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Phú, ông Vỹ rất thích sưu tập các đồ dùng xưa cũ của người Việt. Với ông, đó không chỉ là đam mê mà còn là tình yêu, tình cảm dành cho quê hương, đất nước, nuôi dưỡng ký ức của nhiều thế hệ. Từ vật dụng sinh hoạt của cư dân miền Bắc đến đồ dùng đặc trưng của người phương Nam, ông đều sưu tầm với nhiều thể loại. Trong cả ngàn món đồ vật xưa ông sở hữu, món nào với ông cũng có những giá trị vô cùng quý giá. “Xa quê hương, theo ba mẹ đi lập nghiệp ở phương Nam, những hình ảnh của ký ức tuổi thơ cứ mãi đeo bám tôi. Ban đầu tôi cũng giữ lại một số cái gọi là “kỷ niệm” như cái đơm, cái đó, cái gàu sòng nhưng có cái này lại thích sưu tập cái kia, cứ đi “gom” từng cái, vậy mà giờ có được “bộ sưu tập" này" - ông Vỹ chia sẻ.
Để có thể hồi sinh được giá trị văn hóa đó, ông chia không gian sưu tập của mình thành nhiều góc nhỏ. Một không gian dành cho các đồ dùng sinh hoạt của người xưa, một không gian khác để trưng bày các kỷ vật chiến tranh. Ở một góc khác của riêng mình, ông dành cho ký ức tuổi thơ và cuộc sống đã gắn bó…
Có rất nhiều cách để người chơi như ông Vỹ tìm được sản phẩm ưng ý nhưng đa phần họ thường làm giàu bộ sưu tập bằng cách trao đổi, chia sẻ niềm đam mê với nhau. Đó cũng là cách để các thành viên cùng làm phong phú thêm cho “gia tài” của chính mình. Nhưng đôi khi có những món đồ xưa, cổ vật đến với người chơi cũng rất tình cờ, như là cái “duyên” với họ. “Trong một lần đi ra suối ở gần nhà, tôi “nhặt” được một bộ cổ vật liên quan đến rìu đá, nêm của người xưa. Trân quý món quà này, tôi cất vào một vị trí trang trọng trong bộ sưu tập, thỉnh thoảng các đồng nghiệp ở trường cũng mượn “lộc” của tôi để ứng dụng vào các môn dạy, đặc biệt là minh họa cho môn Lịch sử, Địa lý cho học sinh” - ông Vỹ chia sẻ thêm.
Hồi sinh văn hóa xưa
Những nét xưa cổ trên từng cổ vật không chỉ giúp người chơi tìm được giây phút yên bình mà còn bồi đắp thêm kiến thức về nét văn hóa xưa, lâu đời của dân tộc. Sưu tập cổ vật hay những đồ dùng xưa cũ như ông Vỹ vốn không nhiều nhưng hễ đam mê, họ ăn, chơi, ngủ và thức cùng cổ vật, bởi mỗi sản phẩm đều mang trong mình những giá trị riêng vô cùng độc đáo và có sức hút kỳ lạ. Từ bộ sưu tập của mình, ông tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp và bố trí thật hài hòa, qua đó vừa giữ được chất lượng đồ vật vừa tôn lên vẻ đẹp và giá trị của món đồ đó. Như cái cối đá xay gạo, ông bố trí thành một hòn non bộ, vừa sinh động vừa hiện đại. Cái cân cũ hay đèn măng-xông cũng được ông thiết kế thành một tấm màn che nắng hay một đồ dùng trang trí cụ thể. Tất cả đều được ông nâng niu, trân trọng.
Không chỉ với người hoài cổ, nhìn những món đồ như cối đá, bình vôi, gàu sòng, cối giã gạo... rất nhiều người sẽ thấy đồng cảm bởi sự gần gũi, thân thuộc gợi nhớ cả một miền ký ức. Biến không gian nhà thành một bảo tàng cá nhân nhỏ, đây không chỉ để thỏa đam mê của bản thân, đó còn là cách để ông Vỹ gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc đến với người dân, đặc biệt là những học sinh của mình. Bởi với học sinh khi đến nhà, không chỉ vì tình yêu, mến thương giữa thầy và trò mà còn là sự háo hức, mong đợi được ông giải thích cho ý nghĩa của từng cổ vật, đồ vật trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.
Cuộc sống thì mỗi người đều có đam mê, sở thích riêng. Với tôi, đó không chỉ là tạo ra không gian thư giãn sau một ngày làm việc bận rộn, đó còn là cách để mình tạo ra không gian cho tất cả mọi người xung quanh, ai cũng có thể đến đây tham quan và thư giãn.
Ông Phạm Ngọc Vỹ,
người sưu tầm đồ cổ, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú
Gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau những giá trị văn hóa từ đồ vật xưa cũ, đó là cách ông Vỹ đang làm giàu niềm đam mê của mình và làm đẹp cho đời…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/129658/hoi-sinh-gia-tri-van-hoa-tu-ky-vat