'Hồi sinh' giống nếp Cút đặc sản, vươn tầm OCOP
Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu và phục tráng, giống nếp Cút, đặc sản nức tiếng của huyện Tư Nghĩa (cũ) đã chính thức được 'hồi sinh'. Đây là tin vui không chỉ với nông dân xã Nghĩa Kỳ (nay là xã Nghĩa Giang) mà còn với những ai yêu thích hương vị dẻo thơm đặc trưng của loại nếp truyền thống này.
Kỳ vọng mới
Trong cái nắng chiều dịu nhẹ, lão nông Nguyễn Hạnh, ở thôn An Hội Bắc 1, xã Nghĩa Giang dẫn chúng tôi len lỏi qua con đường ruộng quen thuộc hướng về những thửa ruộng nếp Cút bậc thang trải dài mướt mắt, nằm ngay bên dưới dòng khoáng nóng Nghĩa Thuận.
Ông Hạnh bảo rằng, nếp Cút là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, được nuôi dưỡng và phát triển nhờ hòa mình trong dòng nước của suối khoáng nóng. Nhờ nguồn nước giàu khoáng chất này, nếp Cút mang một hương vị và chất lượng đặc trưng mà khó nơi nào có được.
Tuy nhiên, quá trình canh tác lâu năm đã khiến giống bị thoái hóa, dần mất đi những đặc tính ưu việt ban đầu. Hạt giống có chất lượng thấp, không đồng đều, dẫn đến suy giảm năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Hạt nếp không còn mẩy và dẻo thơm như trước. Đây là một quy luật tự nhiên trong nông nghiệp, đặc biệt với những giống cây trồng truyền thống được canh tác qua nhiều thế hệ.

Những thửa ruộng nếp Cút nằm ngay bên dưới dòng suối khoáng nóng Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa (cũ) nay là xã Nghĩa Giang.
Từ vụ năm ngoái, ông Hạnh rất vui khi được tham gia trồng thử nghiệm giống nếp Cút mới sau phục tráng, với diện tích 7 sào (3.500m2). Sau một vụ trồng thử nghiệm, ông Hạnh đã đúc kết rằng, giống nếp Cút được phục tráng này vượt trội hơn giống cũ, cho năng suất cao hơn và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Không chỉ vậy, chất lượng hạt nếp sau phục tráng cũng vượt trội hơn. Hạt nếp tròn mẩy, trắng trong, dẻo và có mùi thơm đặc trưng hơn, được thị trường đón nhận nồng nhiệt.

Do đặc thù vùng đầm lầy, nếp Cút được gieo mạ rồi cấy thay vì gieo sạ trực tiếp.

Sau hơn một tháng kể từ ngày cấy, những ruộng mạ đã bám rễ sâu vào lòng đất, vươn mình mạnh mẽ.
Vụ này, gia đình ông Hạnh tiếp tục gieo mạ, cấy giống nếp Cút mới. Sau hơn một tháng kể từ ngày cấy, những ruộng mạ giờ đây đã bám rễ sâu vào lòng đất, vươn mình mạnh mẽ, khoác lên mình màu xanh mơn mởn đầy sức sống, hứa hẹn lại một vụ mùa bội thu khiến lòng ông không khỏi rộn ràng.
Hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP
Nếp Cút là đặc sản nổi tiếng của xã Nghĩa Kỳ (cũ). Toàn xã có 65 hộ canh tác với tổng diện tích 22,5ha. Trước thực trạng giống nếp Cút và nếp ngự Sa Huỳnh bị thoái hóa, năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài khoa học và công nghệ “Điều tra, thu thập, đánh giá và bảo tồn nguồn gen giống nếp Ngự Sa Huỳnh và nếp Cút địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi”, do Trường Đại học Quy Nhơn làm cơ quan chủ trì và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm làm chủ nhiệm đề tài.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm (áo trắng) kiểm tra ruộng sản xuất giống nếp Cút siêu nguyên chủng ở vụ Hè Thu năm 2024.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm và nhóm nghiên cứu đã triển khai điều tra, phân tích, đánh giá hiện trạng canh tác, sản xuất và thu thập, đánh giá nguồn gen giống nếp Cút. Trên cơ sở đó, tiến hành xác định nguồn gốc, định danh loài, hồ sơ hóa và lưu giữ thông tin về giống nếp Cút địa phương tại Quảng Ngãi.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm cho biết, nhóm nghiên cứu đã chọn được 10 dòng đạt tiêu chuẩn từ 15 dòng G1 để sản xuất hạt giống G2. Vụ hè thu 2024, nhóm nghiên cứu tiếp tục chọn được 4 dòng đạt tiêu chuẩn từ 10 dòng G2. Đã phục tráng thành công giống lúa nếp Cút đặc sản địa phương và sản xuất được 300 kg hạt giống siêu nguyên chủng đạt tiêu chuẩn Quốc gia về quy trình sản xuất hạt giống cây trồng tự thụ phấn (TCVN 12181:2018), đồng thời đáp ứng được các tính trạng về hình thái cũng như các đặc điểm nông sinh học của giống.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã giải mã thành công trình tự gen giống nếp Cút, định danh loài và hoàn thành hồ sơ lý lịch cho giống. Kết quả nghiên cứu của đề tài làm cơ sở để so sánh và chọn lọc, duy trì dòng thuần theo các đặc trưng, phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen giống nếp Cút đặc sản địa phương ngoài sản xuất.
Sau khi phục tráng thành công, dự án đã nhanh chóng triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người dân để nhân rộng sản xuất đại trà. Bà con được cung cấp giống nếp Cút đã được phục tráng và hỗ trợ phân bón. Đặc biệt, kỹ thuật canh tác tiên tiến cũng được các chuyên gia của dự án chuyển giao tận tình thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn trực tiếp tại đồng ruộng.
Để nhân rộng diện tích canh tác nếp Cút, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng và sửa chữa hệ thống kênh mương tưới tiêu cho cánh đồng nếp Cút và dự kiến mở rộng thành “cánh đồng một giống”, với quy mô diện tích lên đến 92,5ha và hướng đến xây dựng thương hiệu giống lúa nếp Cút trở thành sản phẩm OCOP.

Người dân thu hoạch nếp Cút giống của vụ hè thu năm 2024.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nghĩa Kỳ Bắc Nguyễn Thành Khiêm cho biết, giống nếp Cút đã chính thức được phục tráng không chỉ là việc trả lại hương vị nguyên bản và đặc tính ưu việt mà còn mở ra một chương mới cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp địa phương. Hợp tác xã đang có định hướng xây dựng nếp Cút thành sản phẩm OCOP. Đây là một bước đi chiến lược nhằm nâng tầm giá trị và thương hiệu cho loại nếp đặc biệt này, giúp sản phẩm không chỉ được biết đến rộng rãi hơn mà còn có thể tiếp cận thị trường lớn hơn, mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/hoi-sinh-giong-nep-cut-dac-san-vuon-tam-ocop-54299.htm