Xuất ngoại vì sức khỏe

Chi phí điều trị cao, thời gian chờ lâu đang khiến hàng triệu người lựa chọn ra nước ngoài để chữa bệnh. Trong làn sóng dịch chuyển y tế toàn cầu ấy, Việt Nam đang dần vươn lên thành điểm đến đáng chú ý ở châu Á.

Các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ thực hiện ca mổ thông tim cho bào thai của sản phụ người Singapore. (Ảnh Bệnh viện cung cấp)

Các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ thực hiện ca mổ thông tim cho bào thai của sản phụ người Singapore. (Ảnh Bệnh viện cung cấp)

Hiện nay, ngày càng nhiều người từ các quốc gia phát triển sẵn sàng lên đường “xuất ngoại vì sức khỏe” – không chỉ để nghỉ dưỡng, mà còn để điều trị các vấn đề y tế phức tạp, từ chăm sóc răng miệng, điều trị vô sinh đến phẫu thuật tim mạch, ung thư.

Theo tạp chí Medical Tourism, sự dịch chuyển này bắt nguồn từ ba yếu tố then chốt: Chi phí thấp, tiếp cận nhanh và chất lượng điều trị ngày càng cao. Mỗi ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành tại Mỹ có thể tốn hơn 140.000 USD, trong khi tại Singapore chỉ khoảng 25.000 USD. Không chỉ rẻ hơn, thời gian chờ đợi ở các nước đang phát triển cũng ngắn hơn nhiều so với hệ thống y tế công ở phương Tây, nơi bệnh nhân có thể phải chờ hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Điểm đáng chú ý là chất lượng y tế không còn là sự đánh đổi. Ngày càng nhiều bệnh viện ở các quốc gia đang phát triển được quốc tế công nhận, sở hữu đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, hệ thống thiết bị hiện đại và dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp. Du lịch y tế vì thế chuyển mình từ “du lịch giá rẻ” sang ngành công nghiệp cao cấp, phục vụ nhu cầu cá nhân hóa ngày càng rõ rệt của bệnh nhân quốc tế.

Bức tranh toàn cảnh

Theo báo cáo phân tích thị trường du lịch y tế, quy mô, xu hướng và ngành theo loại hình điều trị công bố hồi tháng 5/2025 của Polaris Market Research, thị trường du lịch y tế toàn cầu ước tính có giá trị 58,7 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến tăng trưởng ở tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 11,80% từ năm 2025 đến năm 2034, đạt mốc 176,9 tỷ USD trong năm 2034.

Châu Á đang là trung tâm của ngành công nghiệp du lịch y tế. Theo Grand View Research, Thái Lan nổi bật ở các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa và chăm sóc sức khỏe tổng thể. Riêng năm 2023, thị trường du lịch y tế của Thái Lan đạt tới 2,57 tỷ USD.

Hàn Quốc gây ấn tượng với các dịch vụ làm đẹp gắn liền làn sóng K-beauty với giá trị thị trường phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc năm 2024 ước tính đạt 1,7 tỷ USD, theo báo cáo của Expert Market Research.

Singapore định vị mình ở phân khúc cao cấp với các dịch vụ điều trị ung thư, tim mạch và bệnh lý phức tạp, nhắm đến nhóm bệnh nhân có yêu cầu tiêu chuẩn y tế quốc tế khắt khe.

Malaysia thu hút 1,08 triệu bệnh nhân quốc tế năm 2023, tạo doanh thu gần 444 triệu USD. Lợi thế của nước này là hệ thống hạ tầng hiện đại, dịch vụ hậu cần y tế đồng bộ và chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Ấn Độ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch y tế. Với lợi thế giá rẻ và bác sĩ tay nghề cao, Ấn Độ trở thành sự lựa chọn của nhiều bệnh nhân từ châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á.

Khu vực châu Mỹ Latinh, Mexico và Costa Rica là điểm đến phổ biến cho bệnh nhân Mỹ và Canada – chủ yếu nhờ lợi thế địa lý và giá cả. Riêng Mexico đã thu về hơn 431 triệu USD từ các dịch vụ nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ trong năm 2024.

Ở châu Âu và Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ nổi bật với dịch vụ cấy tóc, phẫu thuật mắt và nha khoa, tạo ra doanh thu hơn 10 tỷ USD trong năm 2024. Trong khi đó, Dubai (UAE) hướng đến phân khúc cao cấp với mô hình “chữa bệnh kèm nghỉ dưỡng hạng sang”. Năm 2023, Dubai đón hơn 691.000 du khách y tế, mang về 280 triệu USD.

Ngôi sao đang lên

Không chỉ là điểm đến du lịch truyền thống, Việt Nam giống như một “ngôi sao đang lên” trên bản đồ du lịch y tế khu vực. Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới IMARC Group, thị trường du lịch y tế Việt Nam đạt 722,3 triệu USD năm 2024 và được kỳ vọng chạm mốc 3,7 tỷ USD vào năm 2033, với mức tăng trưởng kép tới 17,8%/năm trong giai đoạn 2025-2033.

Nguyên nhân bắt đầu từ nhu cầu nội tại, khi tỷ lệ mắc bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường, tim mạch ngày càng tăng buộc nhiều người tìm kiếm dịch vụ điều trị hiệu quả với chi phí hợp lý. Việt Nam với đội ngũ bác sĩ giỏi, công nghệ y tế ngày càng hiện đại và dịch vụ chăm sóc tận tình đáp ứng tốt yêu cầu này.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều đô thị vệ tinh, các bệnh viện lớn đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, chuẩn hóa quy trình, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Song song đó là những chính sách thị thực cởi mở hơn, cho phép lưu trú dài ngày, miễn thị thực cho một số quốc gia, khiến Việt Nam trở nên thân thiện hơn với bệnh nhân quốc tế.

Chi phí thấp tiếp tục là lợi thế then chốt khiến các dịch vụ nha khoa, điều trị da liễu, y học cổ truyền và phẫu thuật như ghép mô, ghép tạng hay can thiệp tim bào thai… đang thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân nước ngoài.

Tuy nhiên, để không chỉ là điểm sáng nhất thời, Việt Nam cần xây dựng chiến lược bài bản hơn như quảng bá thương hiệu y tế quốc gia, tăng cường liên kết giữa ngành y và du lịch, nâng cao trình độ ngoại ngữ và văn hóa quốc tế cho đội ngũ nhân lực, đồng thời bảo đảm quy chuẩn dịch vụ đồng đều giữa các cơ sở.

Số hóa và cá nhân hóa

Công nghệ có tác động không nhỏ đến ngành du lịch y tế. Tư vấn từ xa giúp người bệnh kết nối với chuyên gia đầu ngành mà không phải ra khỏi nhà, đồng thời duy trì giám sát hậu điều trị. Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng vào các khâu chẩn đoán, thiết kế phác đồ điều trị và cá nhân hóa chăm sóc y tế.

Một xu hướng mới nổi khác là du lịch y tế sinh thái - kết hợp chăm sóc sức khỏe với nghỉ dưỡng thân thiện môi trường. Mô hình này được giới trung lưu và người cao tuổi ưa chuộng vì vừa bảo đảm hiệu quả điều trị vừa đem lại sự thư giãn tinh thần.

Ông Jonathan Edelheit, Chủ tịch và đồng sáng lập của Hiệp hội Du lịch y tế (Mỹ) khẳng định: “Tương lai của ngành nằm ở sự minh bạch trong chất lượng, chi phí và tiêu chuẩn dịch vụ”.

Du lịch y tế không chỉ là hành trình chữa bệnh, mà còn là cơ hội để hàng triệu người tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Với nhiều nước, đây là lĩnh vực vừa mang tính nhân đạo, vừa có giá trị kinh tế cao miễn là đủ năng lực để bảo đảm an toàn, công bằng và chất lượng cho bệnh nhân.

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-ngoai-vi-suc-khoe-319780.html