Hồi sinh miền di sản Cố đô Huế

Năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào danh mục di sản thế giới của UNESCO. Tròn 10 năm sau đó, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế cũng được UNESCO ghi tên vào danh mục các kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Sau ba thập kỷ được UNESCO vinh danh, di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt.

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh: Trúc Hà

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh: Trúc Hà

Tiếng chuông thức tỉnh

Lịch sử vùng đất Cố đô Huế đã tạo ra những di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu, nhưng sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai và thời gian đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di sản này. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương đã tập trung nguồn lực cho công cuộc bảo tồn Quần thể Di tích Cố đô Huế, đặc biệt là việc mời các chuyên gia, tổ chức nước ngoài “chung tay giúp sức” trong công cuộc bảo tồn.

Năm 1981, sau khi nghiên cứu và khảo sát Quần thể di sản Huế, ông M’Bow - Tổng giám đốc UNESCO lúc bấy giờ đã gửi đi thông điệp kêu gọi: “Di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đang đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và sự quên lãng. Chỉ có “một sự cứu nguy khẩn cấp” với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thì mới có thể giúp Cố đô Huế thoát ra khỏi tình trạng trên”.

Nhờ có những biện pháp, giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành và sự giúp đỡ tích cực của UNESCO cùng cộng đồng quốc tế, việc gìn giữ, bảo tồn di sản Huế đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, hàng trăm công trình di tích được phục hồi, trùng tu tôn tạo. Các di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng nghiên cứu bảo tồn bài bản, phát huy hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình giúp Thừa Thiên Huế bước ra khỏi sự lãng quên để trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có 2 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh.

Đến nay, Việt Nam có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có tới 5 di sản của riêng Huế gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (năm 1993 – Di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (năm 2003 - Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009 - Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014 - Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016 - Di sản tư liệu).

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UNESCO công nhận các di tích ở Thừa Thiên Huế là Di sản văn hóa thế giới đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định với thế giới rằng: Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Việt Nam là một quốc gia giàu có về văn hóa và có tiềm năng để phát triển mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa. Di sản Huế hòa quyện trong sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế đã thể hiện rõ tầm vóc, giá trị, trở thành động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đều nhấn mạnh đến việc đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản và xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch của đất nước và khu vực. Như thế, có thể khẳng định vai trò hết sức quan trọng của di sản Huế đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia và tỉnh nhà; đặc biệt là vai trò nền tảng để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nâng tầm giá trị di sản văn hóa

Ngày nay, Thừa Thiên Huế lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại, phản ánh sâu sắc một giai đoạn lịch sử văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, di sản Huế còn là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Triển lãm Diễn xướng cung đình Huế qua mỹ thuật. Ảnh: Trúc Hà

Triển lãm Diễn xướng cung đình Huế qua mỹ thuật. Ảnh: Trúc Hà

Thời gian qua, chính quyền địa phương bám sát nguyên tắc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hóa...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phương, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn đó không ít các công trình tiêu biểu chưa được phục hồi; các tiềm năng, thế mạnh của di tích Huế chưa được phát huy hiệu quả, lợi thế so sánh của vùng đất cố đô. Các giá trị văn hóa phi vật thể tuy được ưu tiên đầu tư, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu. Bên cạnh đó, việc giải quyết bài toán giữa "bảo tồn và phát triển" là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn, tỉnh sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, các địa phương, các tổ chức quốc tế, cùng bạn bè gần xa để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Huế sẽ vươn lên tầm cao mới với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.

Phát biểu tại buổi lễ, Bà Miki Nozawa, quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định, UNESCO trân trọng và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác bền chặt với tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, công tác bảo tồn di tích cố đô đã được phát huy với "tinh thần quyết tâm cao" và đạt được "nhiều kết quả to lớn". Từ chỗ phần lớn các di tích ở trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng, trong khi Việt Nam vừa mới bước vào thời kỳ đầu hội nhập quốc tế và còn nhiều khó khăn, vậy mà 30 năm sau, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình của khu di sản thế giới này với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn.

Quần thể Di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Ngày nay, Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia và thế giới, bởi vậy, bảo tồn toàn vẹn di sản văn hóa Cố đô Huế là bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc, góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoi-sinh-mien-di-san-co-do-hue-post463058.html