'Hồi sinh' nghề dệt thổ cẩm ở Đưng K'Nớ

Từng có một thời gian dài, thổ cẩm rơi vào quên lãng bởi thế hệ trẻ chẳng còn mặn mà với nghề dệt của các bà, các mẹ để lại. Nhưng có lẽ đó là câu chuyện của ngày hôm qua bởi hôm nay đây, trong không gian lớp học truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của thế hệ trẻ ở xã Đưng K'Nớ (huyện Lạc Dương), thổ cẩm đang dần được 'hồi sinh' bởi những đôi bàn tay đầy trân trọng… Trong cơn mưa chiều ở Đưng K'Nớ, chúng tôi tìm về lớp học dệt thổ cẩm để gặp gỡ những cô gái K'Ho luôn có niềm đam mê và muốn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân bản địa.

Tham gia lớp học dệt thổ cẩm, thế hệ trẻ xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) mong rằng mình có thể gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của bà, mẹ để lại

Tham gia lớp học dệt thổ cẩm, thế hệ trẻ xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) mong rằng mình có thể gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của bà, mẹ để lại

Từ ngoài sân, tiếng lách cách được phát ra từ những chiếc thoi chạm vào nhau khiến lớp học trở nên rôm rả và náo nhiệt hẳn. Tỉ mẩn với những đường sợi trên tấm thổ cẩm còn dang dở, chị K’Siên (24 tuổi, Thôn 1) tâm sự: “Hồi còn nhỏ, mình cũng ngồi tập tành theo mẹ, tới khi lớn dần, tự mày mò, tìm học để có thể dệt cho mình một chiếc khăn choàng. Dệt thổ cẩm không khó, quan trọng là mình có muốn học, có muốn lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình không thôi. Nhiều lúc ngồi nghĩ vu vơ, chỉ sợ một mai nghề này có còn được thế hệ trẻ theo đuổi, gìn giữ và phát huy nữa hay không”.

Cũng giống như chị K’Siên, chị K’Biên (28 tuổi, Thôn 2) vừa học từ mẹ, vừa tham gia lớp học dệt thổ cẩm của địa phương. Chị K’Biên kể, mẹ chị là người đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm đã lâu và bà cũng chính là người đã truyền cảm hứng để chị có thể gắn bó với nghề dệt cho tới bây giờ. Mặc cho nhiều lúc chị không còn thời gian nghỉ ngơi, nhưng chị vẫn miệt mài bên khung cửi vào những lúc nhàn rỗi bởi suy nghĩ về một điều xa xôi hơn rằng khi các bà, các mẹ không còn đủ sức để tiếp tục nghề dệt, thì ai sẽ là người duy trì và tiếp nối nghề truyền thống.

“Trong vùng, trước giờ dệt thổ cẩm chủ yếu là để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình, bởi ở đây trong mỗi mái nhà, hầu hết đều có ít nhất 1 đến 2 người biết dệt. Tuy nhiên, đó chỉ dừng lại ở thế hệ của các bà, các mẹ, chứ thế hệ trẻ hiện nay họ bận bịu cho công việc và hơn cả nhiều người chưa biết được rằng mình đang dần lãng quên đi nghề dệt truyền thống” - chị K’Biên giãi bày.

Gắn bó với nghề đến nay cũng đã hơn 35 năm, cô K’Tuyn (55 tuổi) - người đang theo dạy lớp học tại xã Đưng K’Nớ cho hay, đây là lần thứ hai cô quay trở lại, bởi ở đây là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm nên những người con nơi này họ rất trân trọng. “Nếu một ngày sắc màu thổ cẩm nhạt phai trên chính buôn làng của người K’Ho ở Đưng K’Nớ thì nét văn hóa độc đáo của dân tộc K’Ho cũng phai nhạt đi phần nào. Chính vì lẽ đó, ngoài tự mình chỉ dạy cho con cháu trong nhà tiếp nối nghề, tôi thường nhận lời đứng lớp để truyền đạt, thực hành dệt thổ cẩm, đặc biệt là đối với những thế hệ trẻ ở các xã vùng sâu, vùng xa” - cô K’Tuyn nói.

Ông Liêng Hot Ha Mal - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ cho biết, trước những đổi thay của đời sống và nền kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng và nguy cơ mai một, thất truyền. Nhìn nhận vào thực tế thì giới trẻ hiện nay đang dần lãng quên đi nghề truyền thống của người xưa để lại. Để gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho, thời gian qua, xã đã tạo mọi điều kiện để mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con có nhu cầu cần học, đặc biệt là hướng dẫn và lan tỏa tinh thần học tập đến với thế hệ trẻ xã Đưng K’Nớ. “Mặc dù đến thời điểm hiện tại, những tấm thổ cẩm được dệt ra chưa tạo được nguồn thu nhập lớn trong gia đình, nhưng đó cũng là cách để người con vùng đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ nghề dệt xưa nay. Đấy cũng chính là lí do mà lớp học dệt thổ cẩm được hình thành”.

Hiện, lớp dạy nghề dệt thổ cẩm thu hút gần 35 học viên đến tham gia với độ tuổi từ 15 đến 40. Cô K’Tuyn cho biết thêm, trong quá trình dạy cô chia làm các nhóm cho những người chưa biết dệt và những người đã biết dệt theo thứ bậc: dệt phổ thông, dệt hoa văn và cuối cùng là dệt chữ. Để cân bằng công việc hằng ngày, nhất là đối với các bạn trẻ địa phương, lớp học dệt thổ cẩm được diễn ra đều đặn vào thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy hằng tuần.

Cũng theo ông Cao Anh Tú - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lạc Dương nhận xét: Dệt thổ cẩm được xem là “hồn cốt” tạo nên bản sắc đặc trưng của người K’Ho, nên việc tăng cường công tác tuyên truyền và duy trì nghề dệt độc đáo này được Lạc Dương chú trọng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ…

HÀ ANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202008/hoi-sinh-nghe-det-tho-cam-o-dung-kno-3016745/