Hồi sinh những phận đời lạc lối
Đối với những người đã từng một thời lầm lỗi, con đường hoàn lương trở về làm lại cuộc đời không dễ dàng bởi họ luôn mang trong mình nỗi mặc cảm, tự ti. Bằng lòng vị tha, khoan dung của toàn xã hội và những chính sách đầy nhân văn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đã cảm hóa, hồi sinh, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Do thiếu hiểu biết về pháp luật, cả hai vợ chồng chị Lê Thị Dung, thôn Tân Thành, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) phạm tội bắt giữ người trái phép và phải trả giá cho những lỗi lầm đã gây ra. Chị Dung trải lòng: “Những tháng ngày ăn năn, hối cải sau song sắt, tôi mới thấm thía, nhận ra giá trị của cuộc đời nên đã cố gắng, nỗ lực cải tạo thật tốt và được xét tha tù trước thời hạn. Cũng trong khoảng thời gian ở chốn lao tù, các cán bộ quản giáo đã sát cánh, động viên tinh thần cho các phạm nhân; tôi khát khao sau này sẽ mở xưởng may nho nhỏ để tạo công ăn việc làm ổn định.
Rũ bỏ áo tù, bước ra khỏi cánh cổng trại giam, chị Dung bắt đầu thực hiện những ước mơ còn dang dở. Với sự tiếp sức, giúp đỡ của gia đình và cấp ủy, chính quyền địa phương, chị đã dành tâm huyết xây dựng xưởng may vào năm 2019. Từ chỗ con người, máy móc còn ít; đến nay xưởng đã mở rộng quy mô với 30 máy may, 20 công nhân và đào tạo, dạy nghề cho 30 học viên. Thu nhập của công nhân đạt từ 3 - 7 triệu đồng/tháng. Với các sản phẩm đa dạng, như: Đồng phục học sinh, công nhân, may mặc theo mùa, thị trường tiêu thụ rộng, cơ sở ký kết với doanh nghiệp ngoại tỉnh sản xuất theo đơn đặt hàng. Thành công trên là nhờ ý chí, quyết tâm vươn lên của chị Dung; nhưng hơn cả, đường tìm về nẻo thiện không lẻ bóng, đơn độc.
Rơi vào vòng lao lý vì tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, vợ chồng chị Hoàng Thị Sinh, thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) luôn ám ảnh, dằn vặt bởi những lỗi lầm trong quá khứ. Chồng ra tù trước, đến năm 2011, chị Sinh được đặc xá. Trở về gây dựng lại mọi thứ từ đầu, vượt qua bao khó khăn, trở ngại; nhờ nguồn vốn vay 200 triệu đồng không lãi theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh, gia đình đã xây dựng nên cơ nghiệp vững chắc, trở thành những nông dân làm kinh tế giỏi. Trên ruộng vườn bỏ hoang ngày nào, với đôi bàn tay chăm chỉ, cần mẫn, anh chị cải tạo thành vườn cam Sành, ao thả cá kết hợp với chăn nuôi trâu, ngựa, gà, vịt; mỗi năm đem lại hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, chị Sinh còn mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân quanh vùng.
Trung tá Lê Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh, cho biết: “Hiện, toàn tỉnh có 690 người tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về gia đình, xã hội. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù, hằng năm, Công an tỉnh đã mở các lớp phổ biến, giáo dục pháp luật cho các trường hợp trên. Với sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, nòng cốt là công an, trên địa bàn tỉnh duy trì được 9 mô hình điểm tái hòa nhập cộng đồng và 1 câu lạc bộ “Vững bước”. Một số nơi có những cách làm hay là giao trực tiếp cho 2 hoặc 4 hội, đoàn thể phụ trách giúp đỡ 1 trường hợp. Qua đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tái phạm tội chiếm 0,72%. Những tấm gương tiêu biểu được Công an tỉnh biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho họ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202009/hoi-sinh-nhung-phan-doi-lac-loi-764813/