Hồi sinh ruộng hoang bằng cây dược liệu
Vài năm nay, chị Đoàn Thị Thanh Vân ở thôn Tào Khê, xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) trồng cây dược liệu trên những thửa ruộng bỏ hoang tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, nhiều hộ dân trong xã bỏ hoang ruộng vì thu nhập từ lúa rất bấp bênh. Nhìn những cánh đồng để cỏ dại mọc, chị Vân thấy rất lãng phí. Năm 2018, chị nảy ra ý tưởng thuê lại ruộng hoang để trồng cây dược liệu.
Sau khi nghiên cứu, chị Vân nhận thấy đất đai, khí hậu ở địa phương phù hợp với sâm bố chính, hoài sơn. Đây là hai cây dược liệu quý vì lá, thân, gốc đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh nên được thị trường ưa chuộng. Để có giống cây tốt, chị Vân lên Viện Dược liệu (Hà Nội) liên hệ mua về trồng. Ban đầu chị chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích 500 m2 tại vườn nhà. Do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên một số cây bị nhiễm bệnh nấm, thối đầu củ, rầy nâu...
Không nản chí, chị Vân dành thời gian học hỏi kinh nghiệm của các trang trại trồng dược liệu ở các tỉnh lân cận và tham khảo thêm tài liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc hai loại cây này. Nhờ áp dụng những kiến thức đã học, thời gian sau đó toàn bộ diện tích dược liệu của gia đình chị phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. "Sau khi thu hoạch, tôi mang sâm bố chính và hoài sơn lên Viện Dược liệu để kiểm tra dược tính. Kết quả đạt ngoài mong đợi khi cả 2 loại này đều đủ điều kiện để sản xuất thực phẩm chức năng", chị Vân kể.
Để sản xuất đại trà, cuối năm 2019 chị Vân đã thuê lại 3 ha ruộng bỏ hoang của người dân ở khu đồng Ngoại, thôn Phương Khê, xã Chi Lăng Bắc trồng sâm bố chính và hoài sơn. Chị còn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để dựng nhà màng, làm hệ thống tiêu thoát nước và mua cây giống.
Với mong muốn tạo ra những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, chị Vân đã chủ động liên hệ với một số đơn vị y tế để sản xuất thực phẩm chức năng. Với ý tưởng và sự nhiệt huyết của chị, Công ty TNHH Dược phẩm Tradifar (Chí Linh) đã đồng ý hỗ trợ chị Vân bào chế, sản xuất các sản phẩm từ sâm bố chính và hoài sơn.
Tháng 9 vừa qua, cánh đồng dược liệu của chị Vân đã thu hoạch và đạt sản lượng 2 tấn/ha. Để sâm bố chính và hoài sơn giữ được dược tính tốt nhất, chị thường thu hoạch vào sáng sớm. Hoa được chị cẩn thận thu hái để làm trà túi lọc, còn cây và củ chiết xuất làm thực phẩm chức năng. Chị Vân và Công ty TNHH Dược phẩm Tradifar đã đưa ra thị trường sản phẩm chức năng có tên Cerigo với thành phần chính là sâm bố chính, sâm tố nữ và collagen peptide.
Khi thu hoạch xong, chị Vân phân tách từng bộ phận, sau đó rửa sạch, ngâm qua nước gạo, phơi khô và đem hấp lạnh. Làm như vậy sẽ giữ được dược tính của dược liệu. Công ty TNHH Dược phẩm Tradifar phụ trách công đoạn bào chế và sản xuất. Mô hình của chị Vân tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Giá sâm bố chính từ 300.000-400.000 đồng/kg, hoài sơn từ 100.000-120.000 đồng/kg. Với 6 tấn dược liệu vừa thu hoạch được, chị Vân ước tính thu về khoảng 1 tỷ đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây dược liệu, chị dự kiến cuối năm nay sẽ thuê thêm 7 ha ruộng bỏ hoang để mở rộng quy mô trồng.
Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết đây là mô hình trồng cây dược liệu đầu tiên và lớn nhất huyện. Mô hình này đã chứng minh được hiệu quả kinh tế của nguồn dược liệu quý đem lại...
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/hoi-sinh-ruong-hoang-bang-cay-duoc-lieu-150740