'Hồi sinh' sau 2 lần cấp cứu ngừng tuần hoàn, phát hiện mắc bệnh lý tim mạch hiếm gặp
Suốt hơn một giờ nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân, ekip các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã cứu sống bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch rất hiếm gặp và vô cùng nguy hiểm.
Bệnh nhân là anh N.V.H, 52 tuổi, trú tại xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa), tiền sử khỏe mạnh. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong lúc đang làm thợ xây thì anh H xuất hiện cơn đau tức ngực, đau liên tục dữ dội kèm theo khó thở. Sau đó anh H được người nhà đưa đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Khi đang được siêu âm tim thì bất ngờ bệnh nhân mất ý thức, lơ mơ, đột ngột ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, ekip y bác sĩ khẩn trương tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Sau hơn một giờ đồng hồ liên tục cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực, tuần hoàn được tái lập, hồi sinh tim phổi, bước đầu đã cứu sống bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc trong tình trạng rất nguy kịch: toan chuyển hóa nặng, theo dõi mạch vành cấp, có chỉ định lọc máu liên tục, phải hồi sức tích cực, dùng 3 loại thuốc vận mạch liều cao, an thần tuyệt đối. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân liên tục xuất hiện các cơn phù phổi.
Sau 5 ngày điều trị theo phác đồ, bệnh nhân tỉnh táo, dừng hết các loại thuốc vận mạch, dừng lọc máu. Nhưng đến ngày thứ 6, bệnh nhân đột ngột lên cơn rung thất, mất ý thức hoàn toàn. Bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim ngoài lồng ngực lần 2, thở máy, sốc điện phá rung, dùng 2 loại thuốc vận mạch, điều chỉnh toan kiềm… Sau 20 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, tiếp tục thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, các bác sĩ chỉ định chụp mạch vành cấp cứu, phát hiện bệnh nhân có cơn đau thắt ngực biến thể (đau thắt ngực kiểu Prinzmetal) hiếm gặp.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, liều thuốc vận mạch giảm dần và ngưng, lượng nước tiểu tăng dần, chức năng gan, thận, hô hấp cải thiện, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, các chỉ số sinh tồn ổn định và được ra viện trong niềm vui, hạnh phúc của tập thể các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc và gia đình bệnh nhân.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Khánh Toàn, Khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc cho biết, đau thắt ngực biến thể (hay còn gọi là đau thắt ngực kiểu Prinzmetal) là thể hiếm gặp (chiếm khoảng 2%). Một số biến chứng của đau thắt ngực kiểu Prinzmetal nếu không được điều trị kịp thời bao gồm: Rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim. Để bảo vệ và hạn chế được những rủi ro về sức khỏe, phòng tránh các bệnh lý về tim mạch, người dân nên tránh chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, nên sinh hoạt điều độ về giờ giấc, tập thể dục đều đặn và nhẹ nhàng như đi bộ và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời các bệnh lý.