Hồi sinh từ đống tro tàn

Trong một bài viết mới đây, tờ The New York Times cho biết, từng là chiến trường ác liệt - Ramadi - thủ phủ của tỉnh Anbar ở miền Tây Iraq giờ đây lại trở thành một trong những thành phố ổn định nhất của quốc gia này khi chứng kiến sự bùng nổ làn sóng đầu tư.

Bên bờ sông Euphrates, một khách sạn hạng sang cao 20 tầng đang được xây dựng. Nếu như ở nhiều nơi khác, sự xuất hiện của một khách sạn 5 sao chẳng có gì đặc biệt thì theo The New York Times, đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, một khách sạn hạng sang được xây dựng tại tỉnh Anbar vốn mang nhiều vết sẹo của chiến tranh. “Vào năm 2016, khi chúng tôi đến đây, Ramadi chỉ là một thành phố ma. Trong vòng hai năm, chúng tôi đã khiến mọi thứ đổi thay”, ông Mahdi al-Noman, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến đầu tư của tỉnh Anbar chia sẻ với The New York Times.

Ông Mahdi al-Noman, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến đầu tư của tỉnh Anbar kiểm tra tiến độ xây dựng khách sạn hạng sang đầu tiên của địa phương này trong nhiều thập niên qua. Ảnh: The New York Times

Ông Mahdi al-Noman, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến đầu tư của tỉnh Anbar kiểm tra tiến độ xây dựng khách sạn hạng sang đầu tiên của địa phương này trong nhiều thập niên qua. Ảnh: The New York Times

Ramadi từng là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt sau khi Mỹ đưa quân sang Iraq vào năm 2003 và tiếp đến là sau khi tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq hồi năm 2014. Phải mất 3 năm để các lực lượng Iraq với sự hỗ trợ của Mỹ đánh bại hoàn toàn IS. Những cuộc giao tranh đã khiến Ramadi trở nên hoang tàn. The New York Times cho biết, trong khi nhiều khu vực khác tại Iraq vẫn còn đang phải chật vật khắc phục hậu quả của chiến tranh thì Ramadi đã bắt đầu hồi sinh. “Cùng với một khách sạn hạng sang trị giá 70 triệu USD, người ta cũng đã bắt đầu xây dựng một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Iraq và nhiều công ty đang tham gia đấu thầu xây dựng một sân bay quốc tế tại Ramadi. Giờ đây, giới đầu tư Iraq vốn chỉ quan tâm tới các dự án ở nước ngoài trong 18 năm qua đang bắt đầu quay lại Anbar, trong khi các công ty nước ngoài đang có một cái nhìn mới về một thành phố gần như được xây dựng lại hoàn toàn sau cuộc chiến chống IS”, The New York Times nhấn mạnh.

Không còn những đường phố toàn khói bụi, "ổ gà" và chằng chịt dây điện như nhiều thành phố khác tại Iraq, Ramadi giờ đây tự hào về đường sá khang trang, hệ thống dây cáp điện ngầm và khu hành chính tập trung. Theo ông Ali Farhan, Thống đốc tỉnh Anbar, khi quay trở lại nơi đây, chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh, “chúng tôi đã quyết định rằng việc xây dựng phải được tiến hành theo một cách mới để bắt kịp với quy hoạch đô thị hiện đại”.

Khi IS chiếm đóng Ramadi vào năm 2015, nhiều cư dân của thành phố đã tháo chạy đến khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq hoặc chạy sang các nước láng giềng Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ. Khi hồi hương, những cư dân trẻ tuổi mong muốn Ramadi có những trung tâm thương mại hay khách sạn hạng sang vốn đã quá đỗi quen thuộc tại những nơi họ từng lánh nạn trước kia. “Không chỉ có một khách sạn đơn thuần mà sẽ có cả một tổ hợp giải trí. Công ty Jazirat al-Atta của chúng tôi có kế hoạch dành ít nhất 20 triệu USD trong tổng chi phí của dự án xây khách sạn để đầu tư vào các hồ bơi, nhà hàng, cửa hiệu và một spa”, ông Maher Othman, nhà thầu người Iraq của công trình khách sạn 5 sao tại Ramadi cho biết.

Tỉnh Anbar có nhiều doanh nhân thành đạt trong các lĩnh vực vận tải, xây dựng, trong đó có chủ của doanh nghiệp gia đình Al Qasas vốn đang xây dựng trung tâm thương mại trị giá 70 triệu USD ở trung tâm thành phố Ramadi. “Người dân Anbar chí thú làm ăn tại những nơi họ lánh nạn, dù đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Bagdad hay khu vực của người Kurd. Và khi quay về quê hương, họ mang theo nhiều tiền bạc”, ông Moath Alayan, Giám đốc dự án của Al Qasas cho biết. Al Qasas quyết định đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ở Ramadi bởi gia đình ông Moath Alayan tin rằng “đây là thị trường có nhu cầu” và họ muốn người dân Anbar thấy được rằng họ đang đầu tư xây dựng quê hương. Trung tâm thương mại với hàng trăm cửa hàng dự kiến sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 1.200 người lao động.

Trong khi đó, tại bệnh viện tư nhân Al Safwa ở Ramadi, phóng viên The New York Times được tận mắt chứng kiến cảnh Giám đốc bệnh viện Mohammed Mosleh sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) quét mã vạch trên cánh cửa một phòng bệnh để kiểm tra thông tin bệnh nhân. Bệnh viện Al Safwa có những trang thiết bị hiện đại như kính hiển vi phẫu thuật thần kinh mà ngay cả khu vực của người Kurd vốn phát triển hơn cũng không hề có.

Ông Mahdi al-Noman cho biết, cho tới nay đã cấp hơn 200 giấy phép đầu tư cho các dự án có tổng trị giá lên tới khoảng 5 tỷ USD, trong đó có các dự án nhà máy điện mặt trời, xí nghiệp phân bón, trường học. 70% trong số các dự án này là của các nhà đầu tư Iraq, số còn lại là của các nhà đầu tư từ Đức, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)...

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/hoi-sinh-tu-dong-tro-tan-668057