So sánh sức mạnh quân sự: Iran trội về số lượng, Israel hơn về chất lượng

Khi Israel và Iran đang có nguy cơ hướng đến một cuộc chiến trực tiếp, chúng ta hãy xem xét năng lực quân sự của mỗi nước, khả năng tấn công lẫn nhau và cách họ có thể bảo vệ lãnh thổ của mình.

Iran đã tấn công các thành phố lớn của Israel bằng ít nhất 180 tên lửa đạn đạo vào tối 1/10. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết đó là phản ứng của Tehran trước các hoạt động của Israel ở Gaza và gần đây hơn là ở Lebanon, cũng như các vụ ám sát các lãnh đạo của IRGC, Hamas và Hezbollah.

IRGC cho biết các tên lửa này nhắm cụ thể vào ba căn cứ quân sự ở Tel Aviv. Truyền thông nhà nước Iran cho biết nước này đã sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh Fatah lần đầu tiên.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ trả đũa, nói rằng Iran đã "phạm sai lầm lớn" và "sẽ phải trả giá". Mỹ cho biết họ đã giúp Israel ngăn chặn cuộc tấn công của Iran, cam kết hỗ trợ đồng minh của mình đáp trả Iran.

Khi Israel và Iran ngày càng hướng tới một cuộc đối đầu trực tiếp, dưới đây là năng lực quân sự của mỗi nước, khả năng tấn công lẫn nhau và cách các bên có thể bảo vệ lãnh thổ của mình.

Số lượng binh lính

Theo báo cáo The Military Balance 2023 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Vương quốc Anh công bố:

Iran có 610.000 quân nhân đang hoạt động, bao gồm 350.000 lính lục quân, 190.000 quân trong IRGC, 18.000 lính hải quân, 37.000 lính không quân và 15.000 lính phòng không. Iran cũng có một lực lượng dự bị gồm 350.000 quân. Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với nam giới Iran trên 18 tuổi, với một số trường hợp ngoại lệ.

Trong khi đó, Israel có 169.500 quân nhân đang hoạt động, bao gồm 126.000 lính lục quân, 9.500 lính hải quân và 34.000 lính không quân. Israel có quân dự bị là 465.000. Israel ra lệnh bắt buộc nhập ngũ đối với hầu hết nam nữ thanh niên trên 18 tuổi, với một số trường hợp ngoại lệ.

Chi tiêu quân sự

Theo một bản thông tin do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố vào tháng 4/2024: Iran đã chi 10,3 tỷ USD vào năm 2023, tăng 0,6% so với năm 2022.

Trong khi đó, Israel đã chi 27,5 tỷ USD vào năm 2023, tăng 24% so với năm 2022. Sự gia tăng một phần đến từ cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào ngày 7/10 năm ngoái.

Lục quân

Theo The Military Balance 2023:

Iran có hơn 10.513 xe tăng chiến đấu, hơn 6.798 khẩu pháo và hơn 640 xe bọc thép chở quân. Quân đội cũng có 50 trực thăng trong khi IRGC có 5 trực thăng.

Israel có khoảng 400 xe tăng chiến đấu, 530 khẩu pháo và hơn 1.190 xe bọc thép cá nhân.

Không quân

Theo The Military Balance 2023:

Iran: Không quân có 312 máy bay có khả năng chiến đấu và IRGC có 23 máy bay khác. Không quân có hai trực thăng tấn công, lục quân có 50 và IRGC có 5.

Israel có 345 máy bay có khả năng chiến đấu và 43 trực thăng tấn công.

Hải quân

Theo The Military Balance 2023:

Iran có 17 tàu ngầm chiến thuật, 68 tàu tuần tra và tàu chiến ven biển, 7 tàu hộ tống, 12 tàu đổ bộ, 11 xuồng đổ bộ, 18 thiết bị hậu cần và hỗ trợ.

Israel có 5 tàu ngầm và 49 tàu tuần tra và tàu chiến ven biển.

Hệ thống phòng không

Theo The Military Balance 2023:

Hệ thống phòng không của Israel dựa vào Vòm Sắt, hệ thống được cho là đã đánh chặn hầu hết các tên lửa của Iran vào đêm 1/10.

Hệ thống này trang bị radar có thể phát hiện một quả đạn đang bay tới, tốc độ và hướng của nó. Sau đó, trung tâm điều khiển sẽ tính toán xem quả đạn có phải mối đe dọa cho các thị trấn Israel hay không. Những quả đạn không gây ra mối đe dọa được phép rơi xuống các cánh đồng trống. Nếu chúng gây ra mối đe dọa, đơn vị bắn tên lửa sẽ phóng tên lửa để bắn hạ. Bệ phóng chứa 20 tên lửa đánh chặn.

Có 10 khẩu đội Vòm Sắt rải rác khắp Israel. Các hệ thống khác đánh chặn tên lửa tầm trung và tầm xa. David's Sling đánh chặn tên lửa có tầm bắn từ 40 đến 300 km. Arrow System đánh chặn tên lửa có tầm bắn lên đến 2.400km.

Về phía Iran, vào tháng 2, họ đã triển khai hệ thống phòng không tầm thấp Azarakhsh do nước này tự chế tạo. Đây là hệ thống phát hiện hồng ngoại, được trang bị radar và hệ thống quang điện để phát hiện và đánh chặn mục tiêu. Nó có thể được gắn trên xe.

Iran có nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không khác nhau, bao gồm hơn 42 tên lửa tầm xa S-200, S-300 và Bavar-373 do Nga sản xuất; hơn 59 tên lửa tầm trung MIM-23 Hawk, HQ-2J và Khordad-15 của Mỹ; và 279 tên lửa tầm ngắn CH-SA-4 và 9K331 Tor-M1 do Trung Quốc sản xuất.

Tên lửa đạn đạo

Theo Dự án Phòng thủ Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ:

Iran có ít nhất 12 loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn khác nhau trong kho vũ khí của mình. Chúng bao gồm Tondar 69, có tầm bắn 150 km; Khorramshahr và Sejjil, cả hai đều có tầm bắn lên tới 2.000 km.

Israel có ít nhất 4 loại tên lửa đạn đạo tầm nhỏ và tầm trung khác nhau, từ LORA có tầm bắn 280 km đến Jericho-3 có tầm bắn 4.800 - 6.500 km.

Khả năng hạt nhân

Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ:

Israel ước tính có 90 đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ của mình.

Trong khi đó, Iran được cho là không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nước này có một chương trình hạt nhân tiên tiến và vận hành một số cơ sở hạt nhân và trung tâm nghiên cứu.

Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã cấm sản xuất vũ khí trong một sắc lệnh tôn giáo vào đầu những năm 2000, nói rằng điều đó bị cấm trong đạo Hồi. Tuy nhiên, vào tháng 5, Iran đã đe dọa sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân của mình "nếu sự tồn tại của Iran bị đe dọa".

Hoài Phương (theo Al Jazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-sanh-suc-manh-quan-su-iran-troi-ve-so-luong-israel-hon-ve-chat-luong-post315077.html