Hội sinh vật cảnh Lâm Đồng đã giao mặt bằng tại ốc đảo Bích Câu

Sau nhiều năm sử dụng sai mục đích, bán đảo Bích Câu trên hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt) đang được dọn dẹp, trả lại mặt bằng sau khi hết thời hạn 'tạm giao'.

Hiện trạng bán đảo Bích Câu trên hồ Xuân Hương sau khi được bàn giao lại cho địa phương

Ngày 28-3, UBND phường 1, TP Đà Lạt cho biết Hội sinh vật cảnh Lâm Đồng đã bàn giao trên thực địa diện tích đất thu hồi tại ốc đảo Bích Câu, hồ Xuân Hương.

Ốc đảo Bích Câu sáng 28-3. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ốc đảo Bích Câu sáng 28-3. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tại thời điểm bàn giao, Hội sinh vật cảnh đã di dời toàn bộ vật kiến trúc và cây của Hội ra khỏi khuôn viên đất đã thu hồi.

Ghi nhận tại hiện trường, các công trình phục vụ bán cà phê, ăn uống, hoa, cây cảnh, tiểu cảnh trưng bày trên bán đảo đã được tháo dỡ để bàn giao cho chính quyền địa phương.

 Hiện trạng ốc đảo Bích Câu hồi đầu tháng 3-3023. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Hiện trạng ốc đảo Bích Câu hồi đầu tháng 3-3023. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Trước đó, ngày 6-3, Báo SGGP thông tin “Thu hồi đất ốc đảo Bích Câu... trên giấy”. Dù đã hết thời hạn tạm giao đất để bàn giao lại cho địa phương quản lý từ nhiều tháng trước nhưng đến nay ốc đảo Bích Câu (nằm trên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt) vẫn hoạt động bình thường.

Ốc đảo Bích Câu vốn là bãi đất trống rộng nằm trong khu vực bảo vệ I của di tích thắng cảnh cấp quốc gia hồ Xuân Hương.

 Hiện cây cối của Hội sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng đã được đưa ra khỏi ốc đảo Bích Câu. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Hiện cây cối của Hội sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng đã được đưa ra khỏi ốc đảo Bích Câu. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Năm 2007, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng được UBND tỉnh Lâm Đồng giao hàng nghìn mét vuông để quản lý, khai thác khu vực ốc đảo hồ Xuân Hương trong 10 năm để xây dựng vườn hoa, trồng cây xanh tạo thành công viên mở kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm, mua bán các sản phẩm sinh vật cảnh, trưng bày nghệ thuật.

Sau vài năm đầu trưng bày hoa, cây cảnh, ốc đảo Bích Câu dần “biến tướng” thành quán cà phê kết hợp ăn uống với thiết kế hàng chục bàn trải đều cả ốc đảo. Không gian công cộng hơn chục năm trở thành nơi kinh doanh.

Tại đây, nhiều công trình cũng xây dựng trái phép để phục vụ kinh doanh, diện tích vi phạm lên tới hơn 570m2.

Hiện việc sử dụng đất khu vực ốc đảo Bích Câu sau khi thu hồi đang được cơ quan chức năng nghiên cứu.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoi-sinh-vat-canh-lam-dong-da-giao-mat-bang-tai-oc-dao-bich-cau-post683708.html