Hồi sinh vùng đất chết Nicotex Thanh Thái
Nhắc đến cụm từ 'Nicotex Thanh Thái', không ai có thể quên được công ty này đã chôn hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật dưới lòng đất...
“Vùng đất chết” một thời
Những ngày đầu tháng 2, trên con đường gấp cua trở lại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) - nơi cách đây gần 10 năm xảy ra sự việc hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng bị chôn dưới lòng đất, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không khí ở xung quanh đồi núi xã Cẩm Vân trong lành và thơ mộng.
Tiếng trẻ con nô đùa, tiếng máy cưa của những người thợ chặt keo vẳng lặng trên không trung dội lại.
Cảnh tượng thanh bình khác xa so với gần 10 năm trước, khi nơi đây nồng nặc mùi khí hôi của những phuy chứa thuốc bảo vệ thực vật, khuôn mặt thất thần hoảng hốt của người dân, rồi tiếng hô hào của hàng trăm người dân chặn xe chở thuốc sâu.
Lần sâu phía trong đường vào một khu quân sự, bảng hiệu của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái bị mờ nhạt nhưng vẫn còn đó.
Chị Nguyễn Thị Thủy - phụ trách hành chính khu vực Thanh Thái, Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Hóa cho biết, sự cố về môi trường xảy ra từ năm 2013. Sau đó, tên của công ty cũng đổi từ Nicotex Thanh Thái thành Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Hóa.
“Tổng diện tích đất của công ty đang quản lý rộng 13ha. Hiện nay, chúng tôi đang trồng thử hơn 1ha cây gai xanh, bước đầu đã cho kết quả khá tốt. Nếu so với người dân trồng cây gai xanh thì 1 năm chỉ thu 4 vụ nhưng ở đây, đất đồi màu mỡ nên chúng tôi trồng được 5 vụ. Trung bình cứ 2 vụ, trừ chi phí đi thì cũng được 13 triệu đồng”, chị Thủy cho biết thêm.
Tìm hiểu thực tế tại khu vực này mới thấy, phía công ty đã cải tạo lại đất đồi, đào ao, thả cá, trông cây ăn quả, cây lâm nghiệp và cho thu hoạch khá cao. Do là khu vực trồng cây nên ở công ty chỉ có 1 mình chị Thủy phụ trách.
“Khi nào đến vụ trồng cây hay thu hoạch thì chúng tôi lại nhờ bà con xung quanh đến làm thời vụ và trả tiền cho họ. Ở đây gần đất quốc phòng nên rất yên tâm về an ninh và công ty cũng không còn hoạt động gì ở đây nhiều”, chị Thủy chia sẻ.
Người dân phấn khởi vì có nước sạch
Gần UBND xã Cẩm Vân là nhà máy nước sạch được đầu tư sau khi xảy ra sự cố về môi trường của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái gây ra. Toàn bộ người dân ở xã Cẩm Vân và một phần ở các xã Cẩm Tâm, Yên Lâm đã được dùng nước sạch.
Đây là nhà máy nước sạch do UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án từ cuối năm 2014 với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng năm 2015 trên diện tích 4,5ha thuộc địa phận xã Cẩm Vân và hoàn thành tháng 5/2022.
Nhà máy có công suất 2.250m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho hơn 20.000 người dân thuộc 3 xã Cẩm Vân, xã Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) và xã Yên Lâm (huyện Yên Định).
Bà Lê Thị Sỹ (64 tuổi, ngụ ở thôn 1 Đồi Vàng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy) phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, bà con lo ngại khi sử dụng nguồn nước giếng khoan khi Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu xuống đất. Giờ có nước sạch rồi, chúng tôi không phải dùng nước giếng khoan nữa, yên tâm lắm”.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (49 tuổi, thôn 5, xã Cẩm Vân) cũng cho hay: “Trước kia, thuốc bảo vệ thực vật bị chôn xuống dưới đất, theo thời gian ngấm qua mạch nước ngầm nên đã không có ít người bị ung thư. Chúng tôi phải khoan rất sâu để lấy nước nhưng vẫn lo. Và giờ nguồn nước sạch đã về, người dân rất mừng”.
Doanh nghiệp gây ô nhiễm bị phạt nặng
Quanh câu chuyện kể, chị Thủy cho hay, thời điểm xảy ra sự cố môi trường, chị mới chuyển về công tác và đang trong thời kỳ mang thai nên khi đó chị xin nghỉ phép, không dám lên công ty vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
“Thời điểm ấy, người dân các xã rất bức xúc, họ chặn hết các lối đi ra vào của công ty nhằm không cho “tẩu tán” số thuốc bảo vệ thực vật. Những ngày sau đó, người dân vào trong các khu vườn dùng cuốc, xẻng, xà beng tìm mọi ngóc ngách, đào dưới đất và tìm thấy nhiều phuy chứa thuốc bảo vệ thực vật bốc mùi nồng nặc”, chị Thủy kể.
Sau khi nhận được đơn tố giác của người dân, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc. Qua kiểm tra, Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái từ năm 1998 - 2013 đã chôn tổng cộng 10 hố thuốc bảo vệ thực vật xuống đất.
Kiểm tra mẫu đất và mẫu nước phân tích 11 chỉ tiêu cho thấy, nhiều mẫu vượt quá ngưỡng và chỉ tiêu quy định gấp nhiều lần.
Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này với số tiền hơn 421 triệu đồng, buộc phải xử lý ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm gây ra.
Đồng thời, đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cho đến khi thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả và được tỉnh đồng ý cho hoạt động trở lại.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Duy Vĩnh, Phó chủ tịch xã Cẩm Vân cho biết: “Sự cố môi trường đã được Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái khắc phục và hiện nay họ đang trồng cây gai xanh. Riêng về nhà máy nước sạch thì nay đã vận hành đưa vào sử dụng cung cấp cho bà con nhân dân 3 xã”.
Ông Phạm Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Vân cho biết, thời gian qua các ngành chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần về khảo sát. Kết quả đánh giá ô nhiễm tại các khu vực nghi ngờ trước đây đều cho chỉ số bình thường, không còn độc hại.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở cũng đã quan trắc và lấy mẫu đất, mẫu nước ở khu vực này nhiều lần, tất cả đều cho kết quả bình thường, không còn ô nhiễm như trước đây.
Trước đó, từ ngày 16/10/2013 - 15/2/2014, Công ty Nicotex Thanh Thái đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư Công nghệ Tài nguyên Môi trường Việt Nam (Công ty DTM) tổ chức khai quật, bốc xúc, đóng gói toàn bộ hóa chất chôn lấp.
Sau đó, với sự giám sát của các cơ quan chức năng và đại diện nhân dân, Viện Môi trường nông nghiệp tiến hành xử lý tại chỗ toàn bộ 714.151kg đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
16 mẫu đất đã xử lý được chuyển đến Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học để phân tích. Kết quả cho thấy, các mẫu đất qua xử lý đã không còn ô nhiễm hóa chất.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hoi-sinh-vung-dat-chet-nicotex-thanh-thai-d581402.html