Hội thảo '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'

Chiều 15-11, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024), Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'.

 Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu khai mạc hội thảo

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam; Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau; Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các nhân chứng lịch sử, gia đình có người thân trực tiếp tham gia tập kết ra Bắc và các chuyên gia, nhà khoa học.

Theo tư liệu lịch sử, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), Chính phủ Pháp và các bên có liên quan phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời để tiến hành việc tập kết lực lượng của hai bên. Theo Hiệp định, địa điểm tập kết ở Nam bộ được chọn tại 3 khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay); Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp và khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Trong đó, điểm tập kết tại Cà Mau là tâm điểm, có thời gian dài nhất. Khu vực tập kết ở Cà Mau được xác định dọc theo kênh xáng Chắc Băng, cùng một số địa điểm khác trong tỉnh.

 Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Trung ương Cục miền Nam, việc bố trí, sắp xếp lực lượng đi tập kết được Tỉnh ủy cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo, coi việc tập kết là một sự bố trí lực lượng để thực nhiệm vụ cách mạng mới, xác định rõ đi hay ở đều là nhiệm vụ cách mạng với tinh thần “đi là thắng lợi, ở là quang vinh”.

Trong thời gian 200 ngày tập kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng hoạt động của chính quyền cách mạng tại Cà Mau rất có hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta mới tiếp quản trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong thời gian 200 ngày tập kết đó, đồng bào Cà Mau đã thật sự được sống những ngày tự do, hạnh phúc. Ngày 8-2-1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở Nam bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc, kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau.

 Ông Dương Thanh Toàn, nhân chứng lịch sử trong tuyến tàu tập kết ra Bắc phát biểu tại hội thảo

Ông Dương Thanh Toàn, nhân chứng lịch sử trong tuyến tàu tập kết ra Bắc phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, nhấn mạnh: Việc tổ chức hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức hào hùng của những ngày tập trung chuẩn bị và về những chuyến tàu tập kết ra Bắc, những năm tháng sinh sống, chiến đấu, lao động, học tập và những ân tình sâu nặng của quân, dân miền Bắc đối với những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh đã từng tham gia tập kết ra Bắc mà còn là dịp để chúng ta phân tích, khẳng định và làm sâu sắc thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng và rút ra nhiều bài học quý báu của Sự kiện tập kết ra Bắc, nhất là những chủ trương, quyết sách sáng suốt, tài tình, mang tầm chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Qua đó, Hội thảo góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng hào hùng của Đảng ta và truyền thống lịch sử của Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước cũng như tạo động lực cho các thế hệ sau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.

 Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Đồng chí Nguyễn Tiến Hải cũng thông tin, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng và đồng bào các tỉnh phía Bắc đón nhận, cưu mang, đùm bọc và tạo mọi điều kiện hỗ trợ sớm ổn định cuộc sống, tạo công ăn, việc làm, học tập, lao động và tham gia chiến đấu, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cán bộ cấp cao, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn - nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Ban tổ chức cho biết, hội thảo thu hút 46 bài tham luận của cán bộ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các viện, học viện, nhà trường trong và ngoài tỉnh thành Kỷ yếu hội thảo. Mỗi tham luận của các tác giả, các tập thể gửi đến Hội thảo là một công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết, được tiếp cận từ nhiều nguồn sử liệu, tư liệu khác nhau, với nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng tất cả đều khẳng định chủ trương, đường lối vô cùng sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu đối với sự kiện này.

 Đồng chí Nguyễn Đức Hiển phát biểu tổng kết, bế mạc hội thảo

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển phát biểu tổng kết, bế mạc hội thảo

Phát biểu tổng kết, bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh: Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử" là hoạt động có ý nghĩa thiết thực tri ân và tự hào về lịch sử trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc. Ngay sau Hội thảo này, Tỉnh ủy Cà Mau sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ để bổ sung, hoàn chỉnh nội dung kỷ yếu Hội thảo, đảm bảo chất lượng tốt nhất để xuất bản thành tư liệu tham khảo.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Cà Mau, đồng chí Nguyễn Đức Hiển trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, toàn thể quý vị đã tham dự hội thảo. Thời gian tới, kính mong các đồng chí tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, đóng góp nhiều hơn nữa để Cà Mau tiếp tục có bước phát triển nhanh, bền vững hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả nước.

Ban tổ chức hội thảo cũng trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành, hỗ trợ và các đơn vị truyền thông tại hội thảo khoa học: Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro); Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau; Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

TẤN THÁI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoi-thao-200-ngay-tap-ket-ra-bac-tai-ca-mau-tam-nhin-chien-luoc-va-gia-tri-lich-su-post768527.html