HỘI THẢO GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ BỀN VỮNG THANH LONG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Sáng 19/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phối hợp Viện Friedrich Naumann Foundation và UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo 'Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận'. Tham dự Hội thảo còn có các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các doanh nghiệp, đại diện các Hợp tác xã, hộ nông dân trực tiếp sản xuất Thanh Long trên địa bàn tỉnh.
Thanh Long là cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Thuận với diện tích hơn 35.000ha, sản lượng Thanh Long đạt gần 700 nghìn tấn/năm, chiếm 50% tổng sản lượng Thanh Long cả nước. Hiện thu hút hơn 30 nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu Thanh Long, hằng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70 - 80 nghìn lao động. Hiện nay, Thanh Long tỉnh Bình Thuận đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đồng thời chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Cùng đó, hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ Thanh Long gặp rất nhiều khó khăn như: Công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ; đặc biệt là xây dựng chuỗi giá trị Thanh Long còn hạn chế. Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; Khâu bảo quản, chế biến còn yếu; sản phẩm thanh long chế biến còn ít; tỷ trọng sản phẩm hàng hóa có chất lượng, xây dựng thương hiệu để xuất khẩu còn ít; sản lượng Thanh Long tươi tiêu thụ không ổn định, giá cả còn bấp bênh phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc; các doanh nghiệp xuất khẩu trái tươi, chế biến các sản phẩm Thanh Long còn hạn chế về vốn, công nghệ và thiết bị, năng lực quản lý, tìm kiếm thị trường tiêu thụ..v..v..
Tính đến quý I/2022, diện tích thanh long trên toàn tỉnh đạt 29.830, giảm gần 4.000 ha so với cùng kỳ năm 2021.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề cập đến thực trạng, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và Thanh Long nói riêng. Qua đó, đặt ra những mục tiêu, giải pháp và kiến nghị trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục duy trì sản xuất Thanh Long theo vùng tập trung quy mô lớn; xây dựng hệ sinh thái bền vững trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến và các dịch vụ liên quan đến Thanh Long. Tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ Thanh Long theo chuỗi giá trị; có chính sách đảm bảo doanh nghiệp, HTX giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thúc đẩy phát triển.
Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị Tỉnh cần có chính sách phát triển vùng trồng Thanh Long với chuỗi dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp; Chủ động tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi giá trị; tổ chức lại sản xuất, cùng hợp tác hình thành vùng chuyên canh Thanh Long với quy mô lớn hiệu quả…
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=64763