Hội thảo góp ý dự thảo Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài
Ngày 24/3/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo 'Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, nhân tài là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển quốc gia, việc phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài là nguồn sức mạnh phát triển đất nước. Do đó, việc thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách cụ thể để thu hút nhân tài trong các lĩnh vực: y tế, tài chính, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ,…
Thời gian qua có hiện trạng, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyển sang khu vực ngoài nhà nước do nhiều nguyên nhân, như: chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc chưa đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của đội ngũ, do đó dẫn đến tình trạng ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công.
Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam hiện là đơn vị được giao nghiên cứu, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chính sách trọng dụng nhân tài, do đó, tại Hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia cho ý kiến, làm rõ về các nội dung, như: khái niệm nhân tài, tiêu chí xác định nhân tài, nguồn nhân tài, vấn đề trọng dụng nhân tài.
PGS.TS. Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt lãnh đạo Bộ cảm ơn Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý Đề án Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, đây là diễn đàn được nhiều nhà khoa học, quản lý, chuyên gia quan tâm. Đồng thời cũng là Đề án quan trọng, do Bộ Nội vụ chủ trì, xây dựng chương trình nghiên cứu, đánh giá tác động, tổ chức lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị và đang dần hoàn thiện, đồng chí hy vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án.
Góp ý tại hội thảo, TS. Trần Văn Tuấn - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, có rất nhiều văn bản về thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng vẫn chưa có kế hoạch thu hút nhân tài, về tiêu chí nhân tài không nhất thiết phải đủ hết các tiêu chuẩn theo như dự thảo đề án thì mới được coi là nhân tài vì như vậy sẽ bỏ lỡ mất đội ngũ nhân tài khu vực tư. TS. Trần Văn Tuấn cùng đề xuất, đối tượng là các nhà khoa học, chuyên gia viết ra kế hoạch, hoạch định chương trình phát triển, các nhà lý luận cũng là người có tài. Đề án cần đề ra các nguyên tắc có tính chất chung nhất để các bộ, ngành, địa phương tùy theo yêu cầu của mình sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp.
Trong hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, nhân tài ở Việt Nam phải là người có đức, có tài với năng lực vượt trội, có tinh thần cống hiến, giải quyết được các vấn đề nan giải hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ngành, lĩnh vực, ở địa phương, được mọi người và cơ quan, tổ chức công nhận. Các nội dung của Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài phải là Khung cơ bản để các Bộ, ngành, địa phương có thể cụ thể hóa bằng các quy định phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Nhân tài không phân biệt đảng viên và người ngoài đảng; người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; khi tìm tòi, phát hiện, tiến cử thì phải tìm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ học sinh, sinh viên, các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài. Chính sách thu hút, trọng dụng phải được tư duy biện chứng: thu hút để trọng dụng và trọng dụng để thu hút. Khi tuyển chọn nhân tài thì không nên bó buộc “chạy” theo bằng cấp, vùng miền, tuổi trẻ hay tuổi cao và không giới hạn nhiệm kỳ. Cứ có tài, có đức, có tinh thần cống hiến là lựa chọn, trọng dụng.
Tham gia góp ý vào các nội dung của đề án, các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất cần phải làm rõ khái niệm nhân tài, từ đó sẽ đưa ra tiêu chí, đối tượng, phương pháp nhằm thu hút, trong dụng nhân tài; cùng với đó cần tập trung vào một số lĩnh vực then chốt, không nên quá dàn trải; các tiêu chí nhân tài cần linh hoạt, ưu tiên một số tiêu chí, như trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể, có sản phẩm, kết quả, thành tích được công nhận, tâm huyết xây dựng đất nước, không phụ thuộc vào độ tuổi, trình độ, quốc tịch. Cần ban hành chính sách về đãi ngộ nhân tài, như: tăng thu nhập, có nhà ở, rõ vị trí việc làm, tạo môi trường công tác tốt; cần/nên làm thí điểm ở một số địa phương, bộ, ngành…/.