Hội thảo Hiệp định RCEP, hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới
Sáng 25/3/2021, tại Khách sạn Sài Gòn (Quận 1, TP.HCM) đã diễn ra buổi Hội thảo 'Hiệp hội đối tác kinh tế toàn diện khu vực và hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới'.
Buổi hội thảo được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Viêt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức thực hiện với hơn 200 đại biểu tham dự.
Trước đó, ngày 15/11/2020, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết, đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của VN. Với mục tiêu hỗ trợ cung cấp thông tin, RCEP phân tích làm rõ những cam kết, từ đó đưa ra những gợi ý cần thiết về chiến lược kinh doanh, pháp lý… cho doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Minh Vũ – Phó Giám đốc CIIS cho rằng, Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do có qui mô lớn nhất hiện nay VN tham gia. RCEP bao phủ 30% dân số thế giới và chiếm 32% GDP toàn cầu. Hiệp định hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu của VN.
Ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC nhận định, bên cạnh những cơ hội doanh nghiệp cần lưu ý một số thách thức mà RCEP mang lại. RCEP tạo ra môi trường thông thoáng hơn so với các FTA VN đã tham gia, nhưng cũng đặt ra yêu cầu về việc giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch một cách chặt chẽ hơn.
Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương – Chuyên gia kinh tế Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trình bày, bằng việc điểm lại những diễn biến kinh tế thế giới trong thời gian qua, so sánh RCEP với các FTA VN đang thực thi, RCEP sẽ giúp giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập cho VN. Tuy nhiên, RCEP cũng sẽ kéo theo những thách thức về nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của VN so với các quốc gia thành viên.
Thông qua các đánh giá khách quan, chuyên gia đã làm rõ lợi thế và rủi ro của Hiệp định, giúp doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược phù hợp khi khai thác RCEP. Theo chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hiểu kỹ các qui định thị trường để kịp thời thay đổi và tận dụng lợi ích các FTA mang lại.
Tiếp nối buổi Hội thảo, ông Trần Ngọc Bình – Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng trình bày các nội dung liên quan đến quy tắc xuất xứ được qui định trong RCEP. Theo ông Bình, các qui định về quy tắc xuất xứ có một số điểm mới nhưng lại không quá khó cho doanh nghiệp thực thi. Hiệp định hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội lớn cho hàng hóa VN, góp phần giúp doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực.
Kết thúc Hội thảo, Luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, Trọng tài viên VIAC trình bày liên quan đến các điểm pháp lý tranh chấp và giải quyết tranh chấp trong RCEP. Luật sư Thành khẳng định, việc ký kết RCEP là bước đệm tốt cho VN. Tuy vậy, để phát huy ưu điểm RCEP, doanh nghiệp cần để tâm hơn đến các điều khoản để nhận diện rõ, tránh được rủi ro.
Theo đó, Hiệp định RCEP khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, tham vấn, hòa giải và sự thỏa thuận của các bên sẽ hoàn toàn được tôn trọng. Từ việc nêu các quy định, chuyên gia cũng tiến hành mô tả khái quát quy trình giải quyết tranh chấp để doanh nghiệp có hình dung rõ hơn về cơ chế xử lý khi có mâu thuẫn phát sinh ngoài ý muốn.
Trong bối cảnh RCEP sẽ được thực thi trong thời gian tới, chuyên gia cũng đưa ra các phân tích và khuyến nghị về các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình giao dịch của doanh nghiệp. Chẳng hạn như tranh chấp về xuất xứ hàng hóa, về hợp đồng mua bán, sở hữu trí tuệ…
Đây là các tranh chấp đã vốn tồn tại, nhưng khi đặt trong bối cảnh RCEP, chuyên gia dự đoán rằng các tranh chấp này sẽ có xu hướng tăng và nếu không thận trọng, các tranh chấp nhỏ này sẽ dễ dẫn đến các tranh chấp lớn hơn, phức tạp hơn.
Hội thảo kết thúc với phần thảo luận qua câu hỏi của các đại biểu được chuyển tới các chuyên gia đảm trách.