Hội thảo khoa học '70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học'

Sáng 30/7, Bộ Quốc phòng phối hợp Thành ủy Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự tổ chức Hội thảo khoa học '70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học'.

Hội thảo khoa học "70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học" tổ chức sáng 30/7 tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Hội thảo khoa học "70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học" tổ chức sáng 30/7 tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

70 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tìm giải pháp kết thúc chiến tranh.

Ngày 8/5/1954, Hội nghị quốc tế bàn về vấn đề đình chỉ chiến sự ở Đông Dương khai mạc tại Geneva (Thụy Sĩ). Để giải quyết các vấn đề quân sự trên thực tế chiến trường, Hội nghị Geneva đã thống nhất đại diện hai bộ tổng tư lệnh (Việt-Pháp) sẽ tổ chức đàm phán tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, ngày 4/7/1954, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã gặp nhau tại thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, trước thuộc huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên, nay là huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo.

Các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo.

Hội nghị quân sự Trung Giã là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương.

Trải qua hơn 20 ngày đàm phán (từ ngày 4 đến 23/7/1954), kết quả của Hội nghị Trung Giã kết thúc thắng lợi đã góp phần cho sự thành công của Hiệp định Geneva, giải quyết vấn đề ngừng bắn, trao trả tù binh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Ban tổ chức đã nhận được hơn 40 báo cáo, tham luận. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, đi sâu luận giải từng vấn đề, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về Hội nghị quân sự Trung Giã.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung khẳng định và làm sáng rõ một số vấn đề quan trọng của sự kiện lịch sử này.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu làm rõ bối cảnh quốc tế, trong nước, đặc biệt là tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đến quá trình đàm phán và kết quả của Hội nghị Geneva nói chung, Hội nghị quân sự Trung Giã nói riêng; đồng thời đánh giá, nhìn nhận khách quan, khoa học về quan điểm và hành động của các bên tham gia hội nghị.

Các tham luận tập trung làm sâu sắc hơn về tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh trong lãnh đạo, chỉ đạo đàm phán; phân tích làm rõ công tác chuẩn bị, bảo đảm mọi mặt và những đóng góp của các địa phương, đơn vị, trong đó có cấp ủy, chính quyền và nhân dân Trung Giã, Sóc Sơn vào thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã.

Một số ý kiến làm rõ mục tiêu, nội dung và tiến trình Hội nghị quân sự Trung Giã trong vai trò phối hợp và giải quyết những vấn đề cơ bản của giải pháp ngừng bắn tại Việt Nam và Đông Dương do Hội nghị Geneva đặt ra; nghiên cứu, bổ sung, phân tích làm rõ những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo và sách lược đấu tranh trên bàn đàm phán.

Qua đó, khẳng định giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị Trung Giã; đúc rút những bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học.

Những vấn đề, nội dung khoa học được thảo luận và khẳng định tại Hội thảo sẽ là cơ sở để đề xuất giải pháp quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử cách mạng kháng chiến Trung Giã, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch tại địa phương.

Hội nghị quân sự Trung Giã đã góp phần thể hiện bản lĩnh, trí tuệ trong đối ngoại quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hội nghị đã để lại những bài học kinh nghiệm quý, được thành phố vận dụng xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Hội thảo khoa học “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học” là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Đặc biệt là góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương thế hệ ông cha ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cùng với đó là rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiến sĩ Lê Thanh Bài cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để củng cố, phát huy giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Hội nghị Trung Giã trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

VIỆT HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-thao-khoa-hoc-70-nam-hoi-nghi-quan-su-trung-gia-gia-tri-lich-su-va-bai-hoc-post821819.html