Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Đường 9- Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực'

Hôm nay 19/3/2021, tại thành phố Đông Hà, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề 'Chiến thắng Đường 9- Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực', nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9- Nam Lào 1971-2021. Chủ trì hội thảo có các UVTƯ Đảng: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, đồng Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Thượng tướng Trần Quang Phương; Tư lệnh Quân khu 4 Trung tướng Nguyễn Doãn Anh; Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự Việt Nam Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên.

Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Trung tướng Phùng Sĩ Tấn; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam thượng tướng Phạm Thanh Ngân, cùng các đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo, chỉ huy các quân khu, quân đoàn, tổng cục, quân chủng, binh chủng, học viện, trường sĩ quan Quân đội, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội tham dự hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có các nhân chứng: Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trong Chiến dịch Đường 9- Nam Lào, nguyên tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Cục trưởng cục Quân lực, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lực quân 1; Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 trong Chiến dịch Đường 9- Nam Lào, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2 , nguyên Tư lệnh Quân khu 1; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Minh Kỳ. Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Trị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cùng các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh đến dự.

 Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: T.H

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: T.H

 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: T.H

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: T.H

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng phát biểu chào mừng hội thảo - Ảnh: T.H

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng phát biểu chào mừng hội thảo - Ảnh: T.H

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nêu rõ: Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta tiến hành Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 và giành thắng lợi vang dội. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Thắng lợi đó còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Khẳng định tầm vóc to lớn, giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào với sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, với quân và dân nước bạn Lào anh em và đặc biệt là quân và dân hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet, đã không quản ngại gian khổ, hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vì sự trường tồn của hai dân tộc, vì mối quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai nước. Sự phối hợp tác chiến chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng vũ trang địa phương và các đơn vị chủ lực trong quá trình diễn ra Chiến dịch Đường 9- Nam Lào đã hoàn thành mục tiêu đặt ra: Làm thất bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, phát triển mạnh mẽ thế chiến lược tiến công không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà cả cách mạng ba nước Đông Dương, tạo thế và lực mới, tạo ra so sánh lực lượng và thế trận có lợi cho cuộc đấu tranh vũ trang tiến tới giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.

Suốt năm mươi năm qua, giá trị lịch sử của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 vẫn luôn in đậm trong lòng người dân Quảng Trị, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Tuyến Đường 9 năm xưa gắn với Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, nay đã trở thành Hành lang kinh tế Đông Tây kết nối thúc đẩy hợp tác phát triển, tăng cường liên kết, hợp tác hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực trên toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh với các quốc gia trong khu vực: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar và Tiểu vùng sông Mê Kông.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Trị với mục tiêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Chiến trường mặt trận Đường 9 năm xưa với những chiến công lừng lẫy đang trở thành trọng điểm phát triển của tỉnh với các định hướng phát triển về năng lượng, vận tải hàng hóa quốc tế, phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hợp tác quốc tế của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn đồng lòng, đồng sức, khắc phục mọi khó khăn, tập trung huy động nguồn lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước giành được nhiều thành tựu to lớn: Nền kinh tế tăng trưởng khá; tỉnh đã đạt được mục tiêu là tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo nguồn lực cho sự phát triển. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, thực hiện chính sách dân tộc được quan tâm, đảm bảo đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.

Tại hội thảo, có 8 tham luận trình bày trực tiếp trong hơn 80 tham luận của các lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, các địa phương, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học; nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Đáng chú ý có các tham luận của các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử về Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào như: Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến với tham luận “Vị trí, nhiệm vụ của Trung đoàn 64 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971”; Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị với tham luận “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đòn đánh vào ý chí của Mỹ và chính quyền, quân đội ngụy Sài Gòn”; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Minh Kỳ với tham luận “Phối hợp chiến đấu giữa quân và dân hai tỉnh Quảng Trị và Savanakhet (Lào) trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào”; Đại tá, Tiến sĩ Phạm Đình Bách, Phó Chủ nhiệm Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng với tham luận “Nghệ thuật lập thế trận trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971”...

Các tham luận tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản: Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta; đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; biểu hiện sinh động liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Hội thảo nhằm nghiên cứu, đánh giá, phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước cuối năm 1970 và đầu năm 1971; phân tích âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn trong thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; mục đích, biện pháp của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn trong kế hoạch hành quân “Lam Sơn 719"; nỗ lực ứng phó của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn trước đòn phản công Đường 9 - Nam Lào của Quân đội ta.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trước tình hình Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn thay đổi chiến lược từ “phi Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam” sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”...

50 năm đã trôi qua, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 đã đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại như một trong những chiến công vang dội. Những bài học từ Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 có giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn sâu sắc, góp phần vận dụng vào hoạt động xây dựng Quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; đồng thời, nhằm tôn vinh những gương chiến đấu anh dũng, hy sinh để nâng cao tinh thần yêu nước, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cho các thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=156196&title=hoi-thao-khoa-hoc-%E2%80%9Cchien-thang-duong-9-nam-lao-1971-gia-tri-lich-su-va-hien-thuc