Hội thảo khoa học định hướng liên kết, phát triển Vùng trung du và miền núi Bắc bộ

Sáng 16/11, tại tỉnh Lào Cai, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức hội thảo khoa học định hướng liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo được tổ chức bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với các tỉnh thuộc vùng.

Các đồng chí: Hoàng Công Thủy- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Hải- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội thảo trực tuyến tại điểm cầu Phú Thọ

(baophutho.vn) - Sáng 16/11, tại tỉnh Lào Cai, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức hội thảo khoa học định hướng liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo được tổ chức bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với các tỉnh thuộc vùng.

Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Tham dự hội thảo, phía tỉnh Phú Thọ có đồng chí Bùi Minh Châu- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Hoàng Công Thủy- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo quy hoạch của Chính phủ, vùng trung du và miền núi Bắc bộ gồm 14 tỉnh và 21 huyện phía Tây của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đều khẳng định Vùng trung du và miền núi Bắc bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Những năm gần đây, vùng đã có những bước phát triển khá nhưng vẫn là địa bàn khó khăn nhất của cả nước; tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được khai thác hợp lý, để trở thành nguồn nội lực trong quá trình phát triển. Do đó Hội thảo cần tập trung thảo luận, phân tích làm rõ tiềm năng lợi thế của từng địa phương để đề xuất những giải pháp tháo gỡ nút thắt và có chính sách để khai thông, bổ sung các nguồn lực để phát triển vùng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào những điểm cốt lõi nhằm phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như định hướng giải pháp xây dựng quy hoạch liên kết vùng, làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng địa phương trong tương quan với tổng thể; đề xuất thành lập hội đồng điều hành, điều phối của vùng; tăng cường vai trò trách nhiệm của mỗi địa phương đóng góp xây dựng quy hoạch chung đồng thời có cơ chế phân cấp cho địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết; tăng cường liên kết, hỗ trợ giữa các địa phương; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển vùng, gợi mở cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; đề xuất bổ sung nguồn lực, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ phát triển vùng…

Các ý kiến tại hội thảo sẽ cung cấp luận cứ cho việc tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 đồng thời cung cấp luận cứ cho chiến lược phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Chi Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/hoat-dong-cua-lanh-dao-tinh/202111/hoi-thao-khoa-hoc-dinh-huong-lien-ket-phat-trien-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-181056