Hội thảo khoa học góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc
Ngày 24/4, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội thảo khoa học tham gia góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trồng cây ăn quả trên đất dốc tỉnh Sơn La; đề xuất chủ trương phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2035.

Hội thảo khoa học tham gia góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trồng cây ăn quả trên đất dốc tỉnh Sơn La.
Các đồng chí Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả Trung ương đồng chủ trì hội thảo.

Các đồng chí chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Sơn La; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu cây ăn quả trên địa bàn.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Việt nêu rõ: Tỉnh Sơn La có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, có thể phát triển đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm cây ăn quả có chất lượng. Ngày 30/11/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Thông báo kết luận số 121-TB/TU về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Đây là định hướng quan trọng để HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển cây ăn quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đúng thời điểm, khuyến khích hộ gia đình, HTX phát triển cây ăn quả; các doanh nghiệp đầu tư chế biến, hỗ trợ giống, khoa học, công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Các đại biểu dự hội thảo.
Mục tiêu đến năm 2030, diện tích cây ăn quả ổn định 90.000 ha, sản lượng 700.000 tấn; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30-35%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 50-60%; diện tích được cấp mã số vùng trồng ước đạt trên 5%; diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước khoảng 5-10%; có 10 vùng ứng công nghệ cao về cây ăn quả được công nhận; sản phẩm quả được chế biến ước đạt 15-20%.

Các đại biểu dự hội thảo.
Để hoàn thành mục tiêu trên, đề nghị các chuyên gia, các doanh nghiệp, HTX tập trung trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp, định hướng giúp tỉnh Sơn La trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thâm canh, sản xuất cây ăn quả, phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu các quy định, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu. Từ đó, tận dụng được những cơ hội, hợp tác mở rộng thị trường và nâng tầm giá trị cho sản phẩm cây ăn quả, hướng tới xây dựng ngành cây ăn quả Sơn La phát triển bền vững, lâu dài.
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường đã trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2015-2025. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi, trồng mới gần 61.500 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh đạt 85.050 ha; sản lượng quả ước đạt 510.000 tấn. Có 218 mã số vùng trồng; 31 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu, trong đó có 14 sản phẩm quả đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; có 8 vùng ứng dụng công nghệ cao cho trồng trọt, trong đó có 4 vùng cây ăn quả; có 59 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Từ năm 2017 - 2025, đã xuất khẩu được 158.395 tấn quả, giá trị 160.809 nghìn USD, xuất khẩu quả sang thị trường 15 nước…
Tại hội thảo, đã có 8 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương, doanh nghiệp, HTX tham gia các nội dung bổ sung báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả, như: Đánh giá về hiện trạng đất canh tác; một số yếu tố gây suy giảm độ phì nhiêu đất dốc; giải pháp nâng cao sức khỏe đất cho cây ăn quả theo hướng bền vững và hiệu quả trên địa bàn tỉnh; đề xuất định hướng xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển cây ăn quả; giải pháp phát triển cây ăn quả phục vụ chế biến, tiêu thụ xuất khẩu trong giai đoạn 2025-2030, định hướng tới năm 2035; phát triển cây ăn quả rải vụ, trái vụ; liên kết phát triển vùng nguyên liệu…
Phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển cây ăn quả của Sơn La

Canh tác cây ăn quả theo hướng bền vững và hiệu quả

Thay đổi tư duy lãnh đạo, quản lý, tổ chức sản xuất

Đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển cây ăn quả

Phát triển cây ăn quả theo hướng rải vụ

Đại diện tỉnh Sơn La phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Sơn La về định hướng, giải pháp phát triển cây ăn quả bền vững; hướng dẫn thực hiện quy định về xuất khẩu các sản phẩm quả của tỉnh. Đề nghị các chuyên gia, các nhà nghiên cứu quan tâm hỗ trợ tỉnh các giải pháp về giống mới, quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao… để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả ngành cây ăn quả. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, xuất khẩu cây ăn quả tiếp tục đầu tư liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến, ổn định đầu ra, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu các ý kiến tham gia vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, thực hiện phát triển cây ăn quả theo đúng chủ trương, định hướng của trung ương, của tỉnh; quản lý, phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn chứng nhận, sản xuất theo hướng hữu cơ, cấp mã số vùng trồng... đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu ...