Hội thảo khoa học lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới
Sáng nay (24/11), tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học chủ đề 'Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới'. Hội thảo với mục tiêu xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành để cung cấp thêm luận cứ khoa học phục vụ cho các chuyên đề tổng kết 40 năm đổi mới ở Việt Nam.
Tại hội thảo, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tập trung vào các vấn đề lớn theo yêu cầu tổng kết đó là: bối cảnh thế giới khu vực và trong nước tác động Việt Nam qua 40 năm đổi mới và sự phát triển nhận thức của Đảng ta về đường lối đổi mới; về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các vấn đề phát triển văn hóa xã hội và xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo Phó Giáo sư- Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại những kết quả hết sức tích cực cho Việt Nam trong gần 40 năm qua.
Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình, có thành tích giảm nghèo ấn tượng, có chỉ số phát triển con người ở nhóm khá cao trong các nước có thu nhập trung bình và vị thế ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong vấn đề lý luận, cần làm rõ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong mục tiêu có gì khác với các mô hình khác cũng đang áp dụng kinh tế thị trường cũng như xác định rõ những bước đi cụ thể.
Phó Giáo sư- Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: "Trong mục tiêu thì chúng ta có gì khác không, vì nếu không có là chúng ta không có đặc trưng. Nếu thế thì chúng ta chấp nhận một con đường đi tức là hội tụ. Mục tiêu thì tôi thấy hiện nay chúng ta chưa có gì khác. Cho nên ở đây chúng ta phải làm rõ hơn là chúng ta có gì đặc trưng không. Thứ 2 là về cách đi cũng rất quan trọng. Mục tiêu thì đương nhiên chúng ta sẽ hướng tới cái gì, nhưng chúng ta đi theo cách nào, bằng phương thức nào. Bàn về cách đi, chúng ta có nhiều việc phải bàn và việc hoàn thiện thế chế cũng phải gắn với việc đó."
Giáo sư- Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, những tư duy về mổi mới xã hội chậm hơn tư duy về đổi mới kinh tế và qua gần 40 năm cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Do đó, từ nay đến năm 2030 với tầm nhìn 2045, Giáo sư Đặng Nguyên Anh đề xuất cần tập trung bố trí nguồn lực để thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trên lĩnh vực xã hội. Theo đó, cùng với hoàn thiện và xây dựng đồng bộ thể chế và chính sách xã hội, cần xây dựng hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội toàn diện.
Giáo sư- Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: "Trước đây chúng ta mới chỉ tập trung vào nhóm người có công với cách mạng và đối tượng gọi là trợ giúp yếu thế trong xã hội. Còn bây giờ thì tất cả người dân đều có nhu cầu phải được an sinh, phải được bảo vệ, ra ngoài đường là phải an toàn, đồ ăn, thực phẩm phải sạch, con cái phải được học hành, đau ốm phải được chữa bệnh, những nhu cầu rất cơ bản. Tất nhiên là nguồn lực chúng ta là kém, không thể bằng những nước tư bản phát triển, nhưng với nguồn lực hiện nay thì tổ chức quốc tế nói là phải tăng lên cho vấn đề phát triển và an sinh xã hội, phải là từ 10 đến 15% GDP/ đầu người."
Các đại biểu cũng thảo luận, tổng kết những thành tựu, nhận diện một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để tìm ra các giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn để giúp Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển trong giai đoạn tới.