Hội thảo khoa học Phật giáo và quyền con người
'Phật giáo và quyền con người', đây là chủ đề Hội thảo khoa học do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Luật và Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chiều 17/5.
Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho biết, Giáo lý của Phật giáo chứa đựng những giá trị và tiêu chuẩn sâu sắc về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm nhân quyền. Vì vậy, việc nghiên cứu làm rõ những giá trị, tiêu chuẩn đó là rất cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam về nhân quyền. Nghiên cứu chủ đề này cũng góp phần xây dựng văn hóa nhân quyền ở nước ta.
Là một hệ thống tôn giáo - triết học - văn hóa - lối sống, Phật giáo có nhiều nét tương đồng với văn hóa, lối sống, phong cách tư duy của người Việt. Do vậy, tư tưởng giáo lý và những giá trị văn hóa Phật giáo đã góp phần quan trọng tạo nên bản sắc, hồn cốt của văn hóa Việt Nam.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ở Thủ đô Hà Nội (24/11/1946). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt và nhấn mạnh: Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển và soi đường cho quốc dân đi.
Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp Phật đản và sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hai nhà văn hóa lớn của nhân loại đều đặc biệt quan tâm đến quyền con người, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người. Đức Phật không những quan tâm đến quyền làm người, mà còn quan tâm đến quyền thành Phật.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chủ đề hội thảo phản ánh mối liên hệ sâu sắc giữa đạo và đời. Hội thảo đặt ra hai mục tiêu nghiên cứu, tương ứng với hai phiên tham luận và thảo luận tại hội trường, đó là: Sự tương đồng, và đặc biệt là các giá trị nhân đạo, nhân quyền trong giáo lý của Phật giáo; việc vận dụng giáo lý của Phật giáo để xiển dương các giá trị nhân đạo, nhân quyền trong xã hội.
Đây là những chủ đề nghiên cứu lớn, có nhiều ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn, bởi Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất của nhân loại, nổi bật với tinh thần hòa bình, đề cao lối sống tỉnh thức, tràn đầy tình thương và lòng nhân đạo, dựa trên triết lý thâm sâu về một nền tảng đạo đức căn bản thuần khiết của con người. Những đặc điểm đó khiến cho Phật giáo trở nên đặc biệt gần gũi và có thể trở thành một nguồn lực sâu rộng và mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.
Qua hai phiên làm việc với chủ đề “Những giá trị nhân quyền trong giáo lý của Phật giáo” và “Vận dụng những giá trị nhân quyền trong giáo lý của Phật giáo để xây dựng văn hóa nhân quyền ở Việt Nam”, các tăng, ni, học giả, nhà nghiên cứu đã làm rõ mối liên hệ giữa Phật giáo và quyền con người; vận dụng giáo lý, nguồn lực của Phật giáo vào việc thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, góp phần tích cực trong việc xây dựng và thúc đẩy văn hóa nhân quyền ở Việt Nam một cách thiết thực và bền vững.
Đem tới Hội thảo góc nhìn về quyền con người về văn hóa trong quan điểm Phật giáo, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới vùng đồng bào dân tộc ít người miền núi phía Bắc, Đại đức, Tiến sỹ Thích Nguyên Toàn, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, Nhà nước và Giáo hội rất quan tâm đến tình hình tôn giáo ở các tỉnh biên giới nói chung, trong đó có Hà Giang. Sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang là minh chứng sinh động nhất cho bức tranh nhân quyền đó. Từ chỗ năm 2013, khi bắt đầu thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh, trên địa bàn chỉ có 3 ngôi chùa, đến nay đã có 25 cơ sở tôn giáo. Từ không có tín đồ phật tử, đến nay có gần 10 nghìn tín đồ phật tử. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đã có ở 63 tỉnh, thành phố.
“Đây là một bức tranh nhân quyền về tôn giáo tốt đẹp nhất”, Đại đức Thích Nguyên Toàn khẳng định.
Kế thừa và phát huy những quan điểm quyền con người về văn hóa của Phật giáo cũng như trong các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Phật giáo Hà Giang đã góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cho vùng đồng bào các dân tộc ít người tại địa phương. Nhờ đa dạng hóa và thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức của tăng, ni, phật tử về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, về quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân được tôn trọng. Tăng, ni, phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.
Đại đức Thích Nguyên Toàn cho hay, ở những nơi cơ sở tự viện đóng trên địa bàn, nhân dân phật tử đã bỏ dần các tập tục lạc hậu trong đời sống thường nhật; các hủ tục nghi lễ rườm rà dần được thay thế bởi các nghi lễ Phật giáo trang trọng, đơn giản và tiết kiệm. 100% tăng, ni, phật tử đồng thuận ủng hộ người nghèo, ủng hộ xây nhà tình nghĩa, làm đường giao thông nông thôn, làm cầu, giúp đỡ hộ gia đình khó khăn, gia đình diện chính sách xã hội. Trên 90% nhân dân phật tử nắm được chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tư tưởng tiến bộ của Đức Phật, đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, hòa hợp, gắn bó.