Hội thảo khoa học phát triển cây mắc ca tại Thanh Hóa
Vừa qua, tại huyện Thạch Thành – Thanh Hóa, đã diễn ra chương trình Hội thảo khoa học phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Tại Hội thảo, các đơn vị, các nhà khoa học đã có các ý kiến đóng góp sâu sắc nhằm thúc đẩy việc quy hoạch, phát triển cây mắc ca tại xứ Thanh.
Tới tham dự Hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa, các xã, thị trấn, huyện Thạch Thành, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, Tổng Hội NN&PTNT Việt Nam, Hội Lâm nghiệp Thanh Hóa, Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, Tập đoàn Maccaca Việt Nam và các chủ hộ trồng cây mắc ca…
Tại Hội thảo, có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, các nhà khoa học đã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và đầu ra cho sản phẩm cây mắc ca. Đánh giá thực trạng, khả năng phát triển và định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tất Tiến – Chủ tịch Hội Lâm nghiệp Thanh Hóa nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đánh giá thực trạng, định hướng phát triển cây mắc ca tại địa phương.
Phần tham luận của TS. Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT cho rằng: Thạch Thành (Thanh Hóa) có những điều kiện thời tiết khí hậu tương tự như Tây Nguyên, Tây Bắc và đã có kết quả thí điểm trồng cây mắc ca cụ thể hơn chục năm qua…
Hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước đưa Thanh Hóa vào quy hoạch phát triển cây mắc ca trong giai đoạn tới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó có trong lĩnh vực trồng trọt của địa phương. Do vậy, cần tìm ra đối tượng cây trồng gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên cùng một đơn vị diện tích.
"Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trồng được hơn 190ha mắc ca, trên địa bàn khoảng 10 huyện, tập trung nhiều tại huyện Thạch Thành. Trung tâm Khuyến nông của tỉnh đã triển khai một số mô hình tại huyện Thạch Thành có gia đình anh Hồ, các hộ gia đình trồng và đã gặt hái được những thành công bước đầu. Kết quả của Hội thảo là cơ sở quan trọng để Chi cục Kiểm lâm giúp Sở NN&PTNT tham mưu cho tỉnh triển khai việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh" - ông Mai Hữu Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết.
Ông Đỗ Minh Quý - nguyên Bí thư Huyện ủy Thạch Thành chia sẻ: "Tôi đã nghỉ hưu được 5 năm, nhưng giờ vẫn còn trăn trở về cơ cấu cây trồng, nếu trước đó ngành nông nghiệp tham mưu cho tỉnh, chọn Thạch Thành với một số diện tích trồng thí điểm, rồi mới ra quyết định được hay là không thì bây giờ đã khác rồi.
Thạch Thành đã làm rất hiệu quả về trồng cây mắc ca, hiệu quả cũng thấy về giá trị kinh tế hàng năm. Vì vậy phải có cơ chế chính sách cho người dân, cho doanh nghiệp vì vốn lớn, dài ngày. Bên cạnh đó, cần hình thành các mô hình quản lý sản xuất như hợp tác xã, doanh nghiệp để chế biến sâu".
Theo ông Khương Bá Tuân, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay, Thanh Hóa đã từng thất bại 4-5 hình thức quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng như phát triển quế đặc sản, cây cà phê, cây cao su, cây mía, cây thảo quả.
Vì vậy, ông đề nghị sau Hội thảo này phải có báo cáo tổng kết thật sự đầy đủ về cây mắc ca để Hội Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm trình với Sở NN&TNT trình với UBND tỉnh, để xin đề nghị tỉnh cho phép quy hoạch phát triển cây mắc ca, có như vậy cây mắc ca sẽ lên ngôi.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Long – Giám đốc Vùng nguyên liệu Tập đoàn Maccaca Việt Nam cho biết, đầu tháng 10/2020, Tập đoàn Maccaca vừa kí hợp đồng xuất khẩu sang 12 nước, chúng tôi phải cố gắng mua dữ trữ hạt từ năm nay để phục vụ sản xuất cho năm 2021, nhưng hiện vẫn thiếu hạt, thiếu nhân. "Do vậy, cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu là rất quan trọng, tính đến nay Tập đoàn đã có khoảng 200ha. Và huyện Thạch Thành có điều kiện trồng mắc ca cực tốt song phải thay đổi tư duy để mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, cho địa phương" - ông Long nhận định.
Cũng tại buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Thị An – Viện nghiên cứu phát triển công nghệ Nông Lâm nghiệp Thành Tây chia sẻ về khâu chọn giống mắc ca. Theo đó, việc chọn giống cây mắc ca đưa vào trồng rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình sản xuất rất lâu dài. Mặt khác, quy trình nhân giống, công tác quản lý chất lượng giống là vô cùng cấp thiết đối việc phát triển mắc ca tại Việt Nam.
Về kinh nghiệm trồng mắc ca, ông Phạm Hữu Tú cho biết: Năm 2006, khi đang công tác tại Lâm trường Thạch Thành, ông có dịp được gặp nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn vào thăm, được bác giới thiệu cho cây mắc ca, đây là cây mới, có giá trị kinh tế cao.
Ngay sau đó, ông đã ra Ba Vì (Hà Nội) mua 600 cây, mỗi cây giá 40.000 đồng, trồng được 3 -5 năm thì có quả, nhưng sau đó cũng phải chặt đi 250 cây vì không ra quả. Hiện nay còn 250 cây cho 2 tấn hạt, thu nhập khoảng 200 triệu/năm và gia đình ông đang phát triển thêm số diện tích mới. Đặc biệt, ông rất tâm đắc về khâu chọn giống, nó vô cùng quan trọng đối với bà con.
Còn ông Bùi Trọng Thùy chia sẻ thêm: Cây mắc ca trồng ở Thạch Thành rất tốt, cho năng suất rất cao, theo ông nên đề xuất quy hoạch trồng cây mắc tại Thạch Thành. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng về đầu ra cho bà con.
Là người dám nghĩ, dám làm, ông Phạm Văn Hồ khẳng định: Cây mắc ca đã vào Thạch Thành gần 20 năm, hiệu quả kinh tế rất cao, đến nay gia đình tôi mỗi năm có thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha. Chưa có cây gì vượt qua được cây mắc ca về giá trị kinh tế, Đảng và chính quyền cần vào cuộc để cây mắc ca phát triển mang lại thu nhập cho bà con. Hiện nay, có Tập đoàn Maccaca không những vào đầu tư mà còn chế biến sâu, hỗ trợ bà con nhân giống, ghép giống, kỹ thuật chăm sóc, mà còn hỗ trợ về đầu ra.
Hội thảo khoa học phát triển cây mắc ca tại Thanh Hóađã thành công tốt đẹp. Nhiều ý kiến tâm huyết đã đưa ra một số kết luận sát với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, các đại biểu khẳng định cây mắc ca vẫn phát triển được và cho hiệu quả kinh tế cao tại Thanh Hóa. Sau Hội thảo cũng mong rằng UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở NN&PTNT, các huyện, xã có những kế hoạch cụ thể, để cùng bà con phát triển cây mắc ca hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.