Hội thảo khoa học quốc tế 'Tâm lý học, Giáo dục học trong bối cảnh biến đổi xã hội'
Ngày 27/8, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Hội Tâm lý học Việt Nam và Hội Tâm lý học xã hội châu Á tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế 'Tâm lý học, Giáo dục học trong bối cảnh biến đổi xã hội'.
Hội thảo khoa học quốc tế "Tâm lý học, Giáo dục học trong bối cảnh biến đổi xã hội" hướng tới mục đích công bố, chia sẻ và trao đổi các kết quả nghiên cứu mới thuộc lĩnh vực tâm lý học, giáo dục học trong bối cảnh biến đổi xã hội hiện nay.
Đồng thời, định hướng phát triển tâm lý học, giáo dục học, góp phần xây dựng, củng cố hệ sinh thái phát triển bền vững và hạnh phúc cho con người.
Thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường chào mừng các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã đến tham dự hội thảo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn chia sẻ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có truyền thống lâu bền, ổn định trong đào tạo chất lượng cao đối với lĩnh vực tâm lý học và giáo dục học ở tất cả các trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoa Tâm lý - Giáo dục của trường đã đào tạo hơn 200 tiến sĩ ngành Tâm lý học và Giáo dục học.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thúc đẩy sự phát triển của những chuyên ngành khác trong lĩnh vực tâm lý học và luôn mong chờ sự hợp tác của các nhà khoa học đến từ các chuyên ngành khác nhau.
Với tinh thần đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn kỳ vọng hội thảo sẽ mở ra nhiều ý tưởng, hướng nghiên cứu mới và đặc biệt mở ra mối quan hệ hợp tác mới trong nghiên cứu tâm lý học, giáo dục học.
Tại hội thảo, Giáo sư Sylvia - Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội châu Á gửi lời cảm ơn đến Hội Tâm lý học Việt Nam, đặc biệt là ban tổ chức hội thảo, các cơ sở hỗ trợ như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Giáo sư Sylvia bày tỏ: "Dưới góc nhìn của Hội Tâm lý học xã hội châu Á, việc chào đón các thành viên mới như Việt Nam là vô cùng quan trọng. Tôi dự đoán vài năm tới sẽ là khoảng thời gian quan trọng đối với hội trong việc tiếp cận các đồng nghiệp cùng nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam là quốc gia mà Hội Tâm lý học xã hội châu Á muốn củng cố mối liên kết".
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dũng - Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, hội thảo hôm nay không chỉ trao đổi một cách sâu sắc và nghiêm túc về những vấn đề khoa học liên quan đến tâm lý học và giáo dục học trong bối cảnh biến đổi xã hội mà hội thảo còn là nơi tăng cường trao đổi khoa học, tăng cường sự liên kết các nhà khoa học của các trường đại học với các viện nghiên cứu và các cơ sở ứng dụng tâm lý học; tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa các nhà tâm lý học, giáo dục học Việt Nam với các nhà tâm lý học, giáo dục học của các quốc gia châu Á.
"Những tương đồng nhất định về văn hóa và xã hội của các quốc gia châu Á sẽ làm cho chúng ta đồng cảm với nhau nhiều hơn, xích lại gần nhau hơn và hợp tác với nhau hiệu quả hơn", Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam nhấn mạnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dũng nhận định, các báo cáo tại hội thảo là thành quả đáng trân trọng của các nhà khoa học, sẽ mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tâm lý học và giáo dục học tại Việt Nam, cũng như ở một số nước châu Á.
Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học và giáo dục ở Việt Nam trong thời gian tới.
"Chúng ta tin tưởng rằng sau các ký kết hợp tác và kết thúc hội thảo khoa học quốc tế này, sự hợp tác, liên kết, chia sẻ trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học vào giải quyết những vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân, nâng cao chất lượng sống, góp phần vào xóa đói giảm nghèo của người dân ở các quốc gia châu Á sẽ được thúc đẩy hơn và có hiệu quả hơn", Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dũng nói.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học đã nghe và thảo luận về các báo cáo khoa học:
Báo cáo khoa học 1: Vai trò của tâm lý học trong tạo dựng an ninh con người: Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua các quy trình tham dự tại địa phương. Báo cáo được thực hiện bởi Giáo sư Darrin Hodgetts, Đại học Massey, New Zealand.
Báo cáo trình bày một định hướng tiếp cận tâm lý học nhằm giải quyết các vấn đề trong thế giới thực với sự hợp tác của các nhóm xã hội bị ảnh hưởng trực tiếp từ những vấn đề này.
Theo đó, Giáo sư Darrin Hodgetts giới thiệu về Tâm lý học an ninh con người như là trung tâm của những nỗ lực trong tâm lý học nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Hướng tiếp cận lý thuyết này được dựa trên những ví dụ thực tế về các nhà tâm lý học làm việc với tư cách là người ghi chép cộng đồng.
Báo cáo khoa học 2: Sức khỏe tâm thần của cha mẹ và mối quan hệ giữa họ với con cái trong giai đoạn dịch COVID-19 tại Hàn Quốc. Báo cáo được thực hiện bởi Giáo sư Cho Hyun Seob, Đại học Chonshin, Hàn Quốc.
Trong thời kỳ dịch COVID-19, sức khỏe tâm thần của các bậc phụ huynh tại Hàn Quốc tương đối ổn định; chỉ số trầm cảm và lo âu của họ đều ở mức trung bình. Tuy nhiên, sau đại dịch, nhiều cha mẹ lại trải qua những thay đổi tiêu cực về sức khỏe tâm thần. Mức độ lo lắng, sợ hãi về COVID-19 của họ cao hơn bình thường.
Nhiều bậc phụ huynh cũng đồng thời chia sẻ những thay đổi tiêu cực trong mối quan hệ giữa họ với con cái, kèm theo đó là những thay đổi tiêu cực về sức khỏe tâm thần của con họ.
Báo cáo của Giáo sư Cho Hyun Seob trao đổi về mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái trong giai đoạn dịch COVID-19 làm cơ sở cho các biện pháp can thiệp thực tế và hiệu quả trong tương lai.
Báo cáo khoa học 3: Lý thuyết tâm lý của L.X. Vygotsky - Cơ sở của dạy học phát triển năng lực học sinh. Báo cáo được thực hiện bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Ngọ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Theo Vygotsky, trẻ em tự tổ chức, tự kiến tạo các chức năng tâm lý của mình từ các chức năng sơ đẳng bằng hoạt động và tương tác xã hội.
Trong đó, trọng tâm là học cách sử dụng công cụ kỹ thuật, công cụ ký hiệu và ngôn ngữ. Đó là quá trình nội tâm hóa đời sống tâm lý văn hóa của xã hội thành của cá nhân và là bản chất của sự học.
Học không đồng nhất, nhưng thống nhất với phát triển. Sự học được tổ chức đúng là tạo ra vùng tiệm cận của sự phát triển và nhờ sự tương tác, hỗ trợ của người giỏi hơn, trẻ em đạt tới sự phát triển và tạo ra vùng tiệm cận mới.
Lý thuyết kiến tạo của Vygotski là cơ sở của dạy học phát triển năng lực học sinh.
Tiếp đó, Hội thảo đã chia thành 6 tiểu ban, mỗi tiểu ban tham luận tập trung vào các nhóm vấn đề chính, gồm: Sức khỏe tâm thần của người dân trong bối cảnh biến đổi xã hội; Những vấn đề giáo dục học và tâm lý học đường trong bối cảnh biến đổi xã hội; Văn hóa và sức khỏe tâm thần; Những khía cạnh tâm lý của biến đổi kinh tế; Áp dụng tâm lý học trong xóa đói giảm nghèo; Hỗ trợ - can thiệp tâm lý và tự điều chỉnh cá nhân trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Một số hình ảnh khác tại hội thảo: