Hội thảo Khoa học - Thực tiễn về tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng Bắc bộ trong điều kiện mới
Sáng 20/9, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo Khoa học- Thực tiễn về tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng Bắc Bộ trong điều kiện mới.
Tham dự hội thảo có PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự hội thảo còn có đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu, học viện, viện hàn lâm, trường đại học và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc bộ.
Về phía tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh…
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân 4%/năm, giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt 250 triệu đồng/ha/năm.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Hà Nam xác định phải đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, đóng vai trò quyết định là thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, nhiệm vụ cần tập trung, tích tụ đất đai có quy mô diện tích đủ lớn để cho doanh nghiệp thuê lại.
Đến nay, Hà Nam đã quy hoạch 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 650 ha, tích tụ được hơn 375 ha đất cho doanh nghiệp thuê. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh đi vào sản xuất và trở thành hạt nhân liên kết chuỗi với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch.
Kết quả bước đầu từ tập trung, tích tụ ruộng đất tại Hà Nam đã đạt được các mục tiêu lớn: Quyền lợi của nông dân được đảm bảo, người dân đồng thuận, yên tâm cho thuê đất, không có khiếu kiện. Doanh nghiệp chấp nhận giá thuê đất và những cam kết với địa phương, đồng thời, yên tâm đầu tư sản xuất, bước đầu đã đặt nền móng, nhân tố quan trọng trong quá trình tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất tỉnh Hà Nam còn gặp nhiều vướng mắc. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng hội thảo lần này sẽ mang đến nhiều ý kiến đánh giá, làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hội thảo sẽ mang đến những kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện mới.
Hà Nam sẽ tiếp thu các ý kiến, những kinh nghiệm, kết luận tại hội thảo và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành, các nhà khoa học; mong muốn được chia sẻ, hợp tác với các tỉnh bạn để góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực này.
Khẳng định sự cần thiết của công tác tích tụ, tập trung ruộng đất, PGS,TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: Trong suốt 33 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhờ những cải cách trong quan hệ đất đai, nền nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng. Việt Nam đã trở thành nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm lĩnh vị trí hàng đầu thế giới.
Rõ ràng, chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp là hết sức đúng đắn, thực sự “cởi trói” cho nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn vẫn đang đối mặt với nhiều vướng mắc, trong đó có những khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai; thị trường mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất chưa thực sự phát triển; cơ sở pháp lý để tích tụ, tập trung ruộng đất cho nông nghiệp trên quy mô lớn chưa đầy đủ...
Đi sâu vào thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện mới, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những kết quả và hạn chế liên quan đến quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai; cơ chế hỗ trợ chính sách về vốn, đầu tư cho việc tích tụ, tập trung ruộng đất cũng như đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hiện nay; giới thiệu một số kinh nghiệm về tích tụ, tập trung ruộng đất, việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trên thế giới trong thời gian qua. Đây có thể là những bài học kinh nghiệm, hàm ý chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều vấn đề được đặt ra tại hội thảo, vì sao phải tích tụ ruộng đất, sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai; làm thế nào để đẩy mạnh thực hiện, quản lý đất đai hiệu quả; vai trò của nông dân, chính sách giúp nông dân hạn chế bị rủi ro khi tham gia liên kết sản xuất...
GS, TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: Cần thay đổi cách nhìn về đầu tư cho nông nghiệp, nên khuyến khích tập trung ruộng đất hơn là tích tụ ruộng đất. Có 3 giải pháp để thực hiện, đó là: dựa vào quy mô hộ gia đình, HTX và mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong đó, mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn đang phát huy hiệu quả tốt, nên tiếp tục nghiên cứu mô hình này.
Khẳng định tầm quan trọng tài nguyên đất đai, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển những mô hình hộ sản xuất lớn, kinh tế trang trại phải liên kết các hộ trên cơ sở tự nguyện. Đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với hộ nông dân, xác định hình thức tập trung ruộng đất phù hợp. Vai trò của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là rất quan trọng, nhất là đối với xây dựng quy hoạch, thủ tục hành chính tạo điều kiện cho thị trường đất đai hoạt động.
Tổng hợp các ý kiến tại hội thảo, PGS,TS Đoàn Minh Huấn cho biết: Tạp chí Cộng sản sẽ chắt lọc những ý kiến, kết quả có giá trị, phù hợp để đề xuất với các cơ quan hữu quan nghiên cứu bổ sung trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai.
Bích Huệ - Mạnh Hùng
Bích Huệ, Mạnh Hùng, Thế Trang