Hội thảo khoa học về 70 năm hợp tác quốc phòng Việt Nam – Liên Xô/ Liên bang Nga trong đào tạo cán bộ

Sáng 29-10, tại Hà Nội, Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội thảo khoa học '70 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo cán bộ (1950 -2020)', nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga.

Dự hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng lao động, Anh hùng Liên Xô, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo, chỉ huy các quân, binh chủng, học viện, nhà trường, các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng; các tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội, các nhà khoa học từng được đào tạo, học tập tại Liên Xô trước đây, Liên bang Nga hiện nay.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tham luận của các đại biểu tại hội thảo đã phân tích, làm rõ tầm nhìn chiến lược, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đào tạo cán bộ; vị trí, vai trò, ý nghĩa quan hệ hợp tác đào tạo cán bộ quân sự giữa Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga qua các thời kỳ; đánh giá, thành tựu, hiệu quả trong hợp tác đào tạo cán bộ quân sự đối với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam; làm rõ kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật, ở tất cả các chuyên ngành, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, khẳng định sự giúp đỡ quý báu của bạn đối với công tác đào tạo cán bộ quân đội.
Đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga. Với những lập luận khoa học, logic, hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, làm cơ sở tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân về lịch sử, truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc phòng nói chung và hợp tác đào tạo cán bộ quân sự nói riêng giữa hai nước. Đồng thời làm tài liệu tham khảo, phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy, học tập những nội dung có liên quan của các học viện, nhà trường và các cơ quan, đơn vị trong quân đội.

Trung tướng Phạm Tuân phát biểu tại hội thảo.

Trung tướng Phạm Tuân phát biểu tại hội thảo.

Trung tướng Phạm Tuân là một trong những người thuộc thế hệ đầu được học tập, đào tạo tại Liên Xô đã để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm đẹp về mối quan hệ đoàn kết thủy chung, hữu nghị của nhân dân 2 nước. Theo ông, sự giúp đỡ của Liên Xô đã tạo nên một thế hệ phi công xuất sắc góp phần quan trọng giúp nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong chiến tranh. Không những đào tạo về con người, Liên Xô còn viện trợ cả về vũ khí trang bị, phương tiện cơ sở vật chất cho Quân đội và nhân dân Việt Nam trong những năm chiến tranh. Mặt khác Liên Xô còn cử những chuyên gia quân sự có trình độ năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm thực tiễn trực tiếp đến Việt Nam hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ Quân đội và nhân dân Việt Nam. Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng các chuyên gia Liên Xô đã giúp chúng ta về tinh thần, về ý chí, giúp chúng ta khai thác sử dụng vũ khí trang bị hiện đại để chúng ta chiến đấu và chiến thắng…

Trước đòi hỏi, yêu cầu nhiệm vụ Quân đội trong tình hình mới, Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh: Chúng ta phải tiếp tục phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga; trong đó có hợp tác về quân sự, quốc phòng và các lĩnh vực hợp tác khác. Trong đào tạo cán bộ chúng ta phải tổ chức tuyển chọn kỹ lưỡng có chất lượng nguồn cán bộ gửi đi đào tạo học tập đảm bảo tiếp thu tốt kỹ năng, trình độ sử dụng vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại…

 Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội thảo.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, sau hội thảo, Cục Cán bộ, Cục Nhà trường và các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tham mưu, đề xuất giúp Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong tổ chức thực hiện hợp tác đào tạo cán bộ quân sự, góp phần củng cố tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đoàn chủ tịch và Thư ký hội thảo.

Đoàn chủ tịch và Thư ký hội thảo.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Cùng với việc ủng hộ triệt để về tinh thần, giúp đỡ to lớn về vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo hàng vạn cán bộ quân sự ở tất cả các lĩnh vực, bậc học tại các trường quân sự, trung tâm huấn luyện của Quân đội Xô viết. Đồng thời, cử các đoàn chuyên gia quân sự sang giúp Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật; xây dựng các quân chủng, binh chủng đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh, góp phần quan trọng để nhân dân Việt Nam chiến đấu và đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

 Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Bước vào thời kỳ mới, trước yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện, ưu tiên hiện đại một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân đặt ra hết sức nặng nề. Trong khi phần lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự có trong biên chế của Quân đội ta hiện nay được sản xuất tại Liên Xô/Liên bang Nga. Tình hình đó, đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực toàn diện, đủ khả năng làm chủ, khai thác, bảo dưỡng, nghiên cứu thiết kế, chế tạo và tiếp cận chuyển giao công nghệ trở nên cấp thiết. Vì vậy, cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đào tạo cán bộ với nước ngoài, trong đó có Liên bang Nga mới giữ vai trò hết sức quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học, bằng phương pháp luận khoa học, tư duy đổi mới, sáng tạo và hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình, tiếp tục làm sâu sắc hơn một số vấn đề như: Luận giải làm sáng rõ tầm nhìn chiến lược, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo cán bộ, trong đó có cán bộ quân sự; làm rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa quan hệ hợp tác đào tạo cán bộ quân sự giữa Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga qua các thời kỳ lịch sử; đánh giá khách quan kết quả và rút ra bài học kinh nghiệm, để xuất phương hướng, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo cán bộ trong thời kỳ mới…

 Trung tướng Đỗ Mạnh Đức, Cục trưởng Cục Cán bộ phát biểu kết luận hội thảo.

Trung tướng Đỗ Mạnh Đức, Cục trưởng Cục Cán bộ phát biểu kết luận hội thảo.

Với tư duy và tầm nhìn mới, cùng với những nhận định, đánh giá khách quan, khoa học của các đại biểu tham dự, Hội thảo khoa học “70 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo cán bộ” sẽ góp phần cung cấp thêm những luận cứ khoa học để khẳng định đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng là đúng đắn; khẳng định ý nghĩa, vai trò to lớn của mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo cán bộ là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tin, ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai-quoc-phong/hoi-thao-khoa-hoc-ve-70-nam-hop-tac-quoc-phong-viet-nam-lien-xo-lien-bang-nga-trong-dao-tao-can-bo-642386