Hội thảo khoa học 'Xuân Trình – nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới'

Sáng 30-11, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc (nay là Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc), Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Xuân Trình – nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới'.

Nhà viết kịch Xuân Trình sinh năm 1936 tại Ý Yên, Nam Định. Ông từng làm Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản sân khấu từ năm 1983. Ông mất năm 1991 hưởng thọ 55 tuổi. Ông đã để lại cho nền sân khấu cách mạng Việt Nam gần 30 kịch bản sân khấu có giá trị nghệ thuật. Nhà viết kịch Xuân Trình đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I - 1996.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh: Tác phẩm của nhà viết kịch Xuân Trình có tính dự báo, ngôn ngữ chắt lọc, hình tượng nhân vật sinh động, tư tưởng nghệ thuật đậm chất chính luận đã làm nên một Xuân Trình với những tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao. Qua các nhân vật của Xuân Trình cho ta thấy những hình tượng nhân vật của ông xây dựng như đang khoác tay chúng ta đi giữa thời hiện tại.

Theo PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái, sự nghiệp viết của Xuân Trình khởi đi từ nhà báo, nhà văn, nhưng cuối cùng, ông đã trở thành nhà viết kịch. Xuân Trình đã chọn cách lập thân mà ông thiết tha khao khát nhất: Viết kịch để khẳng định triết học riêng của mình về cái viết: Tôi tư duy bằng đối thoại kịch, vậy thì tôi tồn tại. Ông đã tư duy sáng tạo thật xuất sắc bằng đối thoại kịch, xuyên suốt đời sống và đời viết của chính mình, cho đến khi về cõi vĩnh hằng, trên đúng hai cương vị thật nhất quán với tính cách Xuân Trình: Nhà viết kịch và nhà quản lý.

Nhà viết kịch Xuân Trình đã đi xa nhưng những tác phẩm như: Mùa hè ở biển; Nửa ngày về chiều; Đợi đến mùa xuân; Bạch đàn liễu; Quê hương Việt Nam… còn sống mãi trong lòng công chúng yêu nghệ thuật nước nhà.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/hoi-thao-khoa-hoc-xuan-trinh-nha-viet-kich-nha-lanh-dao-san-khau-tien-phong-cua-su-nghiep-doi-moi-603942