Hội thảo lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thực trạng và kiến nghị

Sáng 12.12, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp bộ 'Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm định hướng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật' tổ chức Hội thảo lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thực trạng và kiến nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành – Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Tám, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, trong đó thẳng thắn chỉ ra trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Từ đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó cần đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành – Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành – Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo phát biểu

Xuất phát từ yêu cầu trên, trong phạm vi hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề. Một là, về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ của Quốc hội, cho ý kiến về sự cần thiết của định hướng Chương trình nhiệm kỳ, mối liên hệ giữa Chương trình nhiệm kỳ với Chương trình hàng năm. Hai là, về đổi mới quy trình lập Chương trình lập pháp hàng năm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về quyền trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của các chủ thể, về sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội; chủ thể có thẩm quyền quyết định Chương trình; Quy trình xây dựng chính sách; quy trình thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong việc lập Chương trình; hồ sơ, thủ tục trong lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu lưu ý, thời gian qua, một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh được gửi đến cơ quan thẩm tra còn chậm so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có trường hợp khi tiến hành thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hoặc thậm chí khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mới có cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.

 Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo các đại biểu, việc chậm gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu, khảo sát, chuẩn bị ý kiến cho việc thẩm tra, cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.

Để nâng cao chất lượng thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu đề nghị, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật và gửi đến Ủy ban Pháp luật và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra đúng thời gian theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội nào gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh chậm so với quy định của pháp luật thì các cơ quan thẩm tra kiên quyết không nhận.

Trên cơ sở kết quả hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài, Ủy ban Pháp luật sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoi-thao-lap-chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-cua-quoc-hoi-thuc-trang-va-kien-nghi-post399080.html