Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Chiều 29.8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 22 Hùng Vương, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tham dự và đồng chủ trì hội thảo có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn; các chuyên gia, nhà khoa học…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về: phạm vi điều chỉnh, khái niệm công nghệ số, phát triển công nghiệp công nghệ số, tài sản số, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp công nghệ số, quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số… Các ý kiến tại hội thảo là cơ sở để Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thiện Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: H.Ngọc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: H.Ngọc

Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật bổ sung các khái niệm, định nghĩa về công nghệ mới; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tận dụng công nghệ số, nhất là chú trọng ngành điện toán đám mây, nhằm giúp các doanh nghiệp phân tích cơ sở dữ liệu dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Về quản lý nhà nước đối với công nghiệp công nghệ số, có ý kiến đề nghị nên quản lý rủi ro, vừa làm vừa theo dõi, vừa sửa, không nên cứng nhắc. Nếu quản lý quá chặt sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp công nghệ số phát triển.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

Một số ý kiến quan tâm đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, theo hướng cho tổ chức, doanh nghiệp được cho phép thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số. Tuy nhiên, quy trình xét duyệt tham gia thử nghiệm chưa thực sự thuận lợi. Đơn cử, trong vòng 90 ngày sau khi nhận được hồ sơ hợp lý, cơ quan có thẩm quyền phối hợp với cơ quan liên quan (hoặc thành lập Hội đồng nếu cần thiết) thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị bao gồm cả kiểm tra tại chỗ (nếu cần thiết), có ý kiến lo ngại thời gian 90 ngày là quá dài.

Có ý kiến đề xuất, dự thảo Luật nên quy định thành lập Ban hoặc Hội đồng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đồng thời giao một Bộ chuyên ngành giám sát việc thử nghiệm có kiểm soát.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/hoi-thao-lay-y-kien-gop-y-du-an-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-i386380/