Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Ngày 1-7, tại TP Thanh Hóa, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi).
Toàn cảnh hội thảo.
Các đồng chí: Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội; Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An và các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, một số hiệp hội có liên quan.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã khái quát tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh một số kết quả, thành tựu mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 22,18%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 56.500 tỷ đồng, tăng 48,7% so với cùng kỳ; tình hình an ninh chính trị được đảm bảo. 6 tháng đầu năm, Thanh Hóa đã giải quyết việc làm mới cho trên 47.200 lao động, bằng 69,5% kế hoạch, tăng 45% so với cùng kỳ. Thanh Hóa hiện có trên 315.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, những năm gần đây do có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nên đã giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, người lao động không phải đi làm ăn xa.
Đồng chí khẳng định, lần này Quốc hội đang xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cán bộ, đảng viên và người lao động Thanh Hóa. Hội thảo được tổ chức tại Thanh Hóa là cơ hội đáng quý để lắng nghe ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, các chuyên gia. Đây cũng là cơ hội để các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa nói lên những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri xung quanh các vấn đề về lao động, việc làm. Đồng chí Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, hội thảo sẽ thành công tốt đẹp, tiếp tục hoàn thiện Bộ luật để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng quan nội dung cơ bản của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành).
Đại biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung đi sâu thảo luận một số nội dung như: Vấn đề mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm; tuổi nghỉ hưu; vấn đề tiền lương; về tổ chức đại diện người lao động; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; một số nội dung đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; về tranh chấp lao động và đình công...
Đồng chí Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu kết luận hội thảo.
Phát biểu kết luận hội thảo, các đồng chí: Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đánh giá cao các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo lần này; đồng thời, khẳng định: Bộ luật Lao động là một bộ luật lớn, tác động đến nhiều đối tượng và có liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác, bởi thế, việc sửa như thế nào để tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đảm bảo tính khả thi là vấn đề phải xem xét kỹ lưỡng. Cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu các đặc thù và đánh giá tác động cụ thể đối với các đối tượng được điều chỉnh, đặc biệt trong các chính sách như: tăng giờ làm thêm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, vai trò của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục lắng nghe ý kiến đại biểu để xây dựng nên được bộ luật tốt nhất, có tính khả thi nhất, đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa các bên. Các ý kiến đóng góp của cơ quan, đơn vị, tổ chức đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được ghi nhận, tiếp thu, trình Quốc hội xem xét.