Hội thảo nâng cao hiệu quả xử lý tranh chấp thương mại Việt Nam-Pakistan
Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan ngày 2/11 đã tổ chức Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề 'Nâng cao hiệu quả xử lý tranh chấp thương mại, tháo gỡ điểm nghẽn, mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Pakistan'.
Ngày 02/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan đã tổ chức Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Nâng cao hiệu quả xử lý tranh chấp thương mại, tháo gỡ điểm nghẽn, mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Pakistan”.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Khách sạn Marriot, Islamabad và trực tuyến trên nền tảng Zoom tại hai nước. Tham dự hội thảo có bà Samila Mehtab, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam, đại diện Bộ Công thương, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các phòng Thương mại và Công nghiệp Islamabad, Lahore, Faisalabad, Karachi, các cơ quan, hiệp hội của hai nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Tiên Phong cho biết, Hội thảo tập trung vào tăng cường nhận thức về tranh chấp thương mại tính cấp thiết của việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp theo hướng khách quan, công bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp và quy định của mỗi nước.
Đại sứ Việt Nam tại Pakistan nhấn mạnh, muốn vậy cần có sự tham gia của các bộ ngành, cơ quan chính phủ mỗi bên, sự chủ động của các doanh nghiệp trong tìm hiểu, chia sẻ thông tin một cách đối xứng trong trao đổi thương mại, phòng ngừa những tranh chấp, hành vi sai trái, lừa đảo cũng như trong quá trình hòa giải, xét xử công bằng, minh bạch.
Đại sứ Nguyễn Tiên Phong cho biết, Hội thảo đồng thời truyền tải thông điệp V-P-A-S-P (tầm nhìn – tiềm năng – chủ động – đoàn kết – đối tác lâu dài) trong việc nâng cao nhận thức, tận dụng khai khác các thế mạnh, tiềm năng hiện có với tổng 330 triệu người tiêu dùng, cũng như quy chế GSP+ mà Pakistan đang được hưởng, và 17 hiệp định FTAs của Việt Nam để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên.
Đại sứ Pakistan tại Việt Nam, bà Samina Mehtab hoan nghênh việc tổ chức sự kiện, tạo ra cầu nối quan trọng giữa các cơ quan nhà nước, các phòng thương mại, hiệp hội trong việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp thương mại. Bà Đại sứ ghi nhận nỗ lực hợp tác của doanh nghiệp hai bên và đánh giá cao kết quả đạt được trong quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian vừa qua và mong muốn hai nước tiếp tục đẩy mạnh kim ngạch thương mại hai chiều.
Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung trình bày, thảo luận về các chủ đề liên quan tới thực trạng, phương hướng, giải pháp cho những tranh chấp thương mại phát sinh trong thời gian qua và các biện pháp để thúc đẩy kinh tế thương mại đầu tư.
Tham luận từ Bộ phận Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam đã trình bày bức tranh toàn cảnh về 138 vụ tranh chấp thương mại với tổng giá trị hơn 35 triệu USD kể từ năm 2005. Các diễn giả từ phía Việt Nam nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng kênh thông tin thuận tiện và hiệu quả về thị trường cũng như đối tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên; đồng thời các cơ quan nhà nước, hiệp hội cần nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu để đảm bảo uy tín cho những mặt hàng xuất khẩu vào thị trường.
Trong khi đó, tham luận từ các Đại diện Pakistan nhấn mạnh việc cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng khung pháp lý và cơ chế, thể chế giải quyết tranh chấp thương mại, nhấn mạnh vai trò của các phòng, hiệp hội doanh nghiệp của cả hai nước và giới truyền thông trong tăng cường hiểu biết về thông tin thị trường, luật pháp, pháp luật...
Các đại biểu tham dự Hội thảo đồng thời nhất trí sự cần thiết xây dựng chặt chẽ các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại, đẩy mạnh đàm phán ký kết Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA) trong đó bao gồm nội dung về cơ chế giải quyết tranh chấp.
Hai bên tin tưởng với tiềm năng rất lớn chưa được khai phá cùng với các biện pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp công khai, minh bạch công bằng, kim ngạch thương mại hai chiều sẽ tạo đột phá, vượt 1 tỷ USD trong năm 2024.