Hội thảo phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới
Nằm trong chuỗi sự kiện của Hội chợ Thương mại, Du lịch Quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn 2024), chiều 3/12, tại thành phố Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo 'Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá'. Đây cũng là một trong các hoạt động thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2024.
Dự hội thảo có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương; đại diện các sở, ngành, cơ quan xúc tiến thương mại của một số tỉnh, thành phố trong nước; đại diện lãnh đạo chính quyền các huyện, thị, các cơ quan và một số doanh nghiệp tiêu biểu của Quảng Tây, Trung Quốc.
Theo báo cáo tại hội thảo, thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các chương trình, đề án phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phát triển kinh doanh thương mại điện tử... Nhờ đó, đến nay, Lạng Sơn có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 2 toàn quốc; có 48.920 giao dịch thành công, đứng thứ 4 toàn quốc; có 228.099 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, đạt 93%, đứng thứ 3 toàn quốc.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Lạng Sơn có lợi thế hết sức quan trọng để phát triển kinh tế cửa khẩu và các dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp, trong đó có thương mại điện tử. Tỉnh xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, trong đó bao gồm các trụ cột là kinh tế số và cửa khẩu số. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các kỹ năng số, ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh; tích cực triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh... Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics phục vụ thông quan hàng hóa thương mại điện tử quốc tế; đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối thông suốt với các tỉnh, thành phố...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lạng Sơn luôn hoan nghênh, chào đón và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu và đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp của tỉnh Lạng Sơn về kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử quốc tế và các dịch vụ như logistics, xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm xoay quanh một số nội dung như: chính sách và thực tiễn phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới; giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới...
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo đã diễn ra tọa đàm “Chung tay phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá”.
Theo đó, các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và đại diện một số doanh nghiệp đã cùng trao đổi, chia sẻ về những tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức trong phát triển thương mại điện tử của Việt Nam nói chung và của Lạng Sơn nói riêng; những quy định liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới; quản trị trang web thương mại điện tử của doanh nghiệp; giảm thiểu chi phí logistics...
Thông qua hội thảo đã góp phần giúp các doanh nghiệp nắm bắt những thông tin mới nhất về quy định, cơ hội và thách thức trong lĩnh vực thương mại điện tử. Hội thảo cũng đã tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới – một xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, hướng tới mục tiêu xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế.