Hội thảo tham vấn về định hướng phát triển ngành gắn với tổ chức lại không gian phát triển Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới
Sáng 24/5, tại thành phố Hoa Lư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội thảo 'Tham vấn về định hướng phát triển ngành-lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, vùng động lực gắn với tổ chức lại không gian phát triển Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050'.

Quang cảnh Hội thảo.
Hội thảo là bước khởi đầu quan trọng, hứa hẹn sẽ góp phần mang lại những đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển của “Ninh Bình hợp nhất” trong tương lai.

Các đồng chí lãnh đạo 3 tỉnh điều hành Hội thảo.
Dự và điều hành Hội thảo có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam; Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Cùng dự có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Thường trực các huyện ủy, thành ủy; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp tiêu biểu; đại diện đơn vị tư vấn Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 3 tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình. Chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay. Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện đầy đủ và phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, địa phương các tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới trên nguyên tắc thống nhất, liên thông, kết nối, cộng hưởng sức mạnh, phân công và hợp tác lãnh thổ. Từ đó, xác định định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực gắn với quy hoạch không gian, vùng động lực phát triển Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. * Xây dựng Ninh Bình mới sau sáp nhập là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, việc hợp nhất 3 tỉnh theo đơn vị hành chính mới bù đắp những hạn chế về diện tích, dân số, góp phần tinh gọn bộ máy, tạo ra thay đổi tích cực, hướng đến nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước; tăng cường quy mô kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là ngành du lịch, công nghiệp, công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản,...; mở rộng không gian phát triển, tăng cường kết nối đồng bộ hạ tầng khung chiến lược và đặc biệt là mở rộng không gian phát triển kinh tế biển…

Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Để đánh giá một cách toàn diện, chuyên sâu, khách quan, khoa học và định hình rõ các giá trị nổi trội, mang lợi thế riêng biệt của các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, đồng chí đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiêu biểu của 3 tỉnh trao đổi, thảo luận, cho ý kiến chuyên sâu theo 3 tuyến vấn đề trọng tâm, gồm: Thứ nhất là các luận cứ khoa học và thực tiễn nhận diện đầy đủ các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa - chính trị, giá trị tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái; truyền thống, bản sắc văn hóa lịch sử, giá trị của di sản; lợi thế riêng biệt trong phát triển ngành, lĩnh vực, vùng động lực gắn với vị trí, vai trò của tỉnh Ninh Bình mới sáp nhập trong vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố trong cả nước… Đồng thời, phân tích, đánh giá bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước, tình hình phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tác động tới tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập như thế nào? Những thách thức và thời cơ vàng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới. Thứ hai, xác định định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, các sản phẩm chủ lực, động lực và không gian phát triển mới theo đơn vị hành chính mới đặt trong mối liên kết vùng, liên vùng, nhất là những ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, AI,…; phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát triển hạ tầng kỹ thuật và đô thị; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Thứ ba, định hướng con đường phát triển, xác định các mục tiêu chiến lược, định vị vai trò, vị thế của tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập; từ đó đề ra các khâu đột phá, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phát huy nội lực và huy động nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững, hướng đến mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản. * Từ nền tảng vững chắc đến tương lai bứt phá Trong những năm qua, Đảng bộ các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, nỗ lực hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều điểm sáng trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Đến hết năm 2024, quy mô kinh tế ước đạt 310.282 tỷ đồng (xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập); tổng thu ngân sách đạt 55.018 tỷ đồng (xếp thứ 6/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,56 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nông nghiệp phát triển theo hướng hữu cơ, tuần hoàn; xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị có nhiều đột phá, hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Các mô hình kinh tế mới phát triển nhanh chóng… góp phần gia tăng động lực tăng trưởng mới cho địa phương. Một số dự án kinh tế số và kinh tế xanh đã đi vào hoạt động, tạo điểm nhấn tái cơ cấu, khẳng định được thương hiệu, vị thế trong vùng và cả nước, như: sản xuất vật liệu “xanh”, công nghệ thông tin tại tỉnh Nam Định; công nghiệp cơ khí - ô tô, tổ chức sự kiện - du lịch tại tỉnh Ninh Bình; công nghiệp điện tử, công nghiệp giải trí, công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Hà Nam. Lĩnh vực an sinh xã hội của 3 tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cơ bản thấp hơn bình quân chung của cả nước. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình mới sở hữu những tiềm năng và lợi thế cạnh tranh riêng có, được hình thành từ sự tổng hòa các yếu tố kinh tế-văn hóa, xã hội và các nguồn lực. Không gian phát triển mới sau sáp nhập có diện tích tự nhiên khoảng 3.900 km2, quy mô dân số hơn 4,4 triệu người (lớn thứ 6 cả nước nếu tính theo các tỉnh hiện nay). Có vị trí địa lý quan trọng, chiến lược. Đặc biệt, 3 tỉnh hội tụ nhiều tầng giá trị, có bề dày truyền thống với nhiều di sản văn hóa, lịch sử, danh thắng thiên nhiên, lễ hội truyền thống và sản phẩm du lịch đặc sắc.

Đồng chí Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho rằng: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh cũng còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể như: Không gian phát triển của đơn vị hành chính - lãnh thổ chật hẹp, tạo nên những rào cản chia cắt nguồn lực, thị trường, gây khó khăn cho quy hoạch ngành gắn với quy hoạch không gian trước sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất sau 40 năm đổi mới. Kinh tế tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống; cần phải giải quyết vấn đề về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững... Những hạn chế, khó khăn này không chỉ là trở lực, mà chính là mặt bằng hiện thực cần vượt qua để mở ra một mô hình phát triển mới. Đồng chí khẳng định: Việc hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình là cơ hội lịch sử để tái cấu trúc toàn diện mô hình tăng trưởng, tổ chức lại không gian phát triển với mục tiêu phát triển bền vững. Đã đến ngưỡng cần một không gian phát triển rộng hơn, cho phép khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống vùng đất văn hiến và anh hùng, khắc phục những giới hạn của đơn vị hành chính - lãnh thổ. Đây là thời điểm để tái cấu trúc không gian phát triển, định hướng lại các ngành, lĩnh vực dựa trên tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, bản sắc riêng có của từng tỉnh hiện nay với tầm nhìn xây dựng tỉnh Ninh Bình mới là một trung tâm của vùng và của cả nước, hướng tới mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương. Để thực hiện được những mục tiêu to lớn đó, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình mới sau khi sáp nhập cần phải làm gì và làm như thế nào để hiện thực hóa khát vọng phát triển? Tại Hội thảo, đồng chí mong muốn đại biểu các Bộ, ngành Trung ương, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các cơ chế, chính sách đặc thù, tập trung vào các nội dung chính. Bao gồm: Gợi mở những định hướng, định vị không gian phát triển: đâu là trung tâm công nghiệp, đâu là không gian du lịch sinh thái, đâu là khu vực phát triển nông nghiệp đặc hữu,... qua đó bảo đảm tính thống nhất về không gian phát triển và phân công lãnh thổ dựa trên lợi thế so sánh, hợp tác và liên kết vùng. Đề xuất những mô hình phát triển kinh tế mới theo hướng đa ngành, đa trung tâm, bền vững, với các trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ xanh, du lịch di sản - sinh thái - biển; nông nghiệp đặc hữu; phát triển kinh tế số và dịch vụ logistics - thương mại thông minh. Đề xuất những cơ chế đặc thù, vượt trội để tạo động lực bứt phá, tập trung đổi mới phương thức huy động và phân bổ nguồn lực; huy động tổng thể các nguồn lực (nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước) gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên. Phân tích, làm rõ hơn những nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, định hình nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao mức sống và chất lượng sống khu vực nông thôn tiệm cận đô thị. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; định hình chức năng đô thị phù hợp với các đô thị hiện hữu. Quy hoạch phát triển đô thị công nghiệp, đô thị di sản, đô thị sinh thái phù hợp đặc điểm từng khu vực. Phấn đấu đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản, một Ninh Bình xanh, hiện đại, đáng sống và vươn tầm. Sau khai mạc, Hội thảo tiếp tục diễn ra với 3 phiên thảo luận: Phiên thứ nhất, nhận diện tiềm năng, lợi thế của ngành-lĩnh vực, địa phương của các tỉnh Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình; Phiên thứ hai, định hướng phát triển ngành-lĩnh vực, sản phẩm chủ lực theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phiên thứ 3, định hướng không gian phát triển vùng động lực theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050.